• CHUNG TAY GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA – LAN TOẢ LỐI SỐNG XANH – HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI (05/6), THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG NĂM 2025
  • Thời gian đăng: 27/05/2025 10:26:00 AM
  • Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm là dịp đặc biệt để cả thế giới cùng nhìn nhận lại thực trạng môi trường toàn cầu, đồng thời khơi dậy tinh thần trách nhiệm và hành động thiết thực của từng cá nhân, cộng đồng và quốc gia trong công cuộc bảo vệ hành tinh xanh. Năm 2025, với chủ đề “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa – Lan toả lối sống xanh”, Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường tiếp tục nhấn mạnh một trong những vấn đề môi trường cấp bách và nhức nhối nhất hiện nay: ô nhiễm rác thải nhựa.
  • Trong những thập kỷ gần đây, rác thải nhựa đã trở thành một “đại dịch” âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm. Nhựa có mặt khắp nơi trong đời sống hiện đại – từ bao bì, chai lọ, ống hút, túi nilon cho đến các vật dụng một lần sử dụng. Dù tiện lợi và giá thành thấp, nhưng nhựa – đặc biệt là nhựa dùng một lần – lại mang theo hệ lụy môi trường khôn lường. Mỗi năm, thế giới thải ra hàng trăm triệu tấn rác nhựa, trong đó phần lớn không được xử lý đúng cách, dẫn đến tình trạng tồn đọng lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước, không khí và đe dọa sự sống của các loài sinh vật.

    Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa - một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm (2023-2025) chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực-toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

    Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

    Ngay-Moi-truong-The-gioi-2025.png

    Ở Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó chỉ khoảng 27% được thu gom và tái chế. Lượng rác nhựa còn lại phần lớn bị chôn lấp, đốt hoặc trôi dạt ra sông ngòi, biển cả. Điều đáng lo ngại là không chỉ gây ô nhiễm môi trường, rác nhựa còn gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các vi nhựa len lỏi trong nguồn nước, thực phẩm và không khí đang trở thành hiểm họa vô hình đối với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc giảm thiểu rác thải nhựa không còn là một lựa chọn, mà là trách nhiệm cấp thiết và chung của toàn xã hội.

    Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, chiến lược quan trọng nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường nâm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành với quy định cụ thể về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa, tăng cường nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa hướng tới kinh tế tuần hoàn; tích cực tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa (INC) và nhiều sáng kiến quốc tế khác.

    Để hiện thực hóa các cam kết môi trường, việc triển khai đồng bộ các Nghị quyết chiến lược của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là nền tảng định hướng cho hành động cụ thể, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, sự gắn kết giữa chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2025 với việc thực thi hiệu quả 04 Nghị quyết trọng điểm của Trung ương sẽ góp phần thúc đẩy chuyển biến thực chất trong kiểm soát ô nhiễm nhựa: (i) Nghị quyết số 57-NQ/TW (cùng với Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ) đặt mục tiêu đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải, phát triển vật liệu thay thế nhựa và tối ưu hóa hệ thống tái chế; (ii) Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ và nguồn lực toàn cầu, đồng thời củng cố vai trò chủ động của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác môi trường khu vực và quốc tế; (iii) Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặt nền móng cho một khung pháp lý minh bạch, hiệu lực nhằm kiểm soát ô nhiễm, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong sản xuất và tiêu dùng nhựa;  (iv) Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh xanh, đầu tư vào công nghiệp tái chế và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn như: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

    Trên cơ sở tình hình thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương, Tháng cao điểm hành động vì môi trường năm 2025 triển khai từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6 năm 2025, với trọng tâm là Chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”, nhằm huy động toàn xã hội tham gia các hoạt động thiết thực, đa dạng và lan tỏa sâu rộng.

    Nội dung trọng tâm: Tổ chức lễ phát động, mít tinh và diễn đàn cộng đồng/diễn đàn thanh niên về bảo vệ môi trường, lồng ghép triển lãm sản phẩm tái chế, mô hình kinh tế tuần hoàn, giải pháp công nghệ xanh; tổ chức đối thoại chính sách giữa người dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý về giải pháp giảm ô nhiễm nhựa. Ra quân đồng loạt thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở đô thị, nông thôn, khu dân cư, trường học, cơ quan, ven biển, bãi bồi, sông hồ. Tổ chức Ngày “Không nhựa sử dụng một lần”, hướng tới thay đổi hành vi tiêu dùng; khuyến khích áp dụng mô hình “Không nhựa” tại siêu thị, chợ dân sinh, nhà hàng, cơ quan công sở, trường học. Tăng cường sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, hỗ trợ và tôn vinh các doanh nghiệp - tổ chức tiên phong trong chuyển đổi bao bì xanh, dịch vụ xanh. Khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, công nghệ xanh, hạn chế bao bì nhựa và ni lông khó phân hủy, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn. Phát động các mô hình cộng đồng thu hồi - tái chế - tái sử dụng nhựa dùng một lần, gắn với hệ thống bán lẻ, du lịch, trường học, cơ quan và địa phương; lựa chọn mô hình tiêu biểu để tổng kết - biểu dương - nhân rộng. Triển khai hoạt động truyền thông trực quan, đồng loạt treo pano, băng rôn, áp phích tại các trục đường chính, nơi công cộng, cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, khu dân cư..., với thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025; khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường trong thiết kế sản phẩm truyền thông.

    Với chủ đề năm nay, chiến dịch Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường 2025 kêu gọi toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan quản lý cùng chung tay hành động vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Mỗi hành động nhỏ như mang theo túi vải khi đi chợ, sử dụng bình nước cá nhân thay cho chai nhựa, nói không với ống hút nhựa hay phân loại rác tại nguồn đều góp phần tích cực vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa và lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.

    Lối sống xanh không phải là điều gì đó xa vời hay khó thực hiện. Đó là cách chúng ta lựa chọn tiêu dùng bền vững, ưu tiên sản phẩm tái sử dụng, giảm thiểu lãng phí và hướng tới sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Đó còn là tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi mỗi người dân ý thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, thì cộng đồng sẽ hình thành được một nền văn hóa sống xanh – một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong tương lai.

    Thực hiện hiệu quả chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay cũng là cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo vệ môi trường. Đó là việc triển khai đồng bộ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các chương trình hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, cũng như các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và toàn dân chính là sức mạnh cốt lõi để đưa những cam kết này vào thực tiễn cuộc sống.

    Trong Tháng hành động vì môi trường, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức các hoạt động thiết thực như tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa, đổi rác nhựa lấy quà tặng, trồng cây xanh, tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, tập huấn kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên… Những hoạt động ấy không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, từ đó hình thành nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường.

    Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, mỗi người dân Việt Nam hãy là một “đại sứ xanh”, tiên phong trong việc giảm rác thải nhựa, lan tỏa lối sống xanh, cùng xây dựng một môi trường sống lành mạnh, bền vững cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Đừng đợi đến khi thiên nhiên lên tiếng bằng những trận lũ lụt, hạn hán, nắng nóng hay ô nhiễm lan tràn – hãy hành động ngay từ bây giờ vì một tương lai xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

  • Tác giả: Nguyễn Nam
  • Các tin bài khác:
  • Xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II
    Huyện Điện Biên tổ chức gặp mặt lão thành cách mạng, gia đình chính sách và cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia chống Pháp.
    Huyện Điện Biên tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011 - 2015
    Huyện Điện Biên tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng Bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
    Kỷ niệm 70 ngày truyền thống CAND
    Huyện Điện Biên tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 – 2020.
    Huyện Điện Biên tổ chức công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2015.
    Huyện Điện Biên tổ chức Đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền phòng chống ma túy năm 2015 tại xã Thanh Chăn.
    Huyện Điện Biên tổ chức Hội Nghị Sơ kết hoạt động VHTT 6 tháng đầu năm 2015 - Đánh giá kết quả 4 năm tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch” các dân tộc huyện Điện Biên (2012 - 2015).
    Vẻ đẹp hang động Chua Ta - Huyện Điện Biên
    1-10 of 2201<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: