|
Nghị định 105/2025/NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng, bao quát toàn diện các khía cạnh quản lý nhà nước từ quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình; tổ chức lực lượng, huấn luyện nghiệp vụ; đến chế độ chính sách, bảo hiểm, huy động lực lượng, phương tiện, tài sản phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Một trong những điểm đáng chú ý đầu tiên của Nghị định là việc cụ thể hóa danh mục các cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ; quy định rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, từng ngành, từng tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, Nghị định quy định cụ thể hồ sơ phải lập và lưu trữ, bao gồm các phiếu thông tin, nội quy phòng cháy, chữa cháy, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu hệ thống, phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn... Hồ sơ này không chỉ có giá trị pháp lý mà còn là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm khi có sự cố xảy ra.
Về thiết kế, xây dựng, cải tạo công trình, Nghị định yêu cầu mọi công trình phải đảm bảo khoảng cách an toàn, bố trí lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy lan... phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, những thay đổi trong thiết kế như tăng số tầng, thay đổi công năng sử dụng, giảm bậc chịu lửa... đều phải được thẩm định lại để đảm bảo an toàn phòng cháy. Cơ quan Công an và cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Nghị định 105/2025/NĐ-CP cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ sở, phương tiện giao thông trang bị thiết bị báo cháy kết nối trực tiếp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ công tác cảnh báo sớm và điều hành xử lý nhanh khi có sự cố. Điều này thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số quốc gia.
Một điểm nổi bật khác của Nghị định là quy định rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát, từ Trung ương đến cơ sở, từ cơ quan quản lý đến người dân. Cơ quan Công an, chính quyền địa phương, chủ cơ sở, chủ phương tiện, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, vận hành – tất cả đều phải chịu trách nhiệm trong từng khâu, từng bước. Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất, tự kiểm tra theo mẫu quy định được xem là biện pháp thiết thực để kịp thời phát hiện và khắc phục sai sót, vi phạm.
Nghị định còn đưa ra các quy định về hình thức xử lý vi phạm, lộ trình khắc phục đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy và không có khả năng khắc phục theo quy định. Đồng thời, Nghị định cũng cụ thể hóa cơ chế huy động lực lượng, phương tiện, tài sản từ các tổ chức, cá nhân, kể cả lực lượng vũ trang, khi xảy ra cháy lớn, tai nạn nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Không chỉ dừng ở biện pháp kỹ thuật và hành chính, Nghị định 105/2025/NĐ-CP còn có những quy định về chính sách xã hội, như bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, chế độ cho người tham gia huấn luyện, lực lượng tình nguyện, người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ... Điều đó thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm và sự trân trọng của Nhà nước đối với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của lực lượng làm nhiệm vụ trên mặt trận “chống giặc lửa”.
Việc triển khai Nghị định 105/2025/NĐ-CP trong thực tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội. Mỗi cán bộ, công chức, mỗi người dân, hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng công tác phòng cháy, chữa cháy không phải là trách nhiệm riêng của lực lượng chuyên trách, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Nghị định chính là góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, ổn định an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chi tiết Nghị định số 105/2025/NĐ-CP, ngày 15/05/2025 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại đây: Nghị định số 105/2025/NĐ-CP