TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ỦY - HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN LUẬT (Bộ luật hình sự)
  • Thời gian đăng: 18/04/2018 10:55:47 AM
  • Tải file văn bản đính kèm
  • Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

  • 1. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật

    Phạm vi sửa đổi của Luật số 12/2017/QH14 liên quan đến 202 điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13, bao gồm 23 điều thuộc Phần Những quy định chung, 179 điều thuộc Phần Các tội phạm và 01 điều thuộc Phần Điều khoản thi hành, trong đó có 63 điều sửa đổi về kỹ thuật, 139 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều. Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung thêm 01 điều (Điều 217a) quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian vừa qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

    2. Những điểm mới cơ bản của Luật

    2.1. Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến các điều, khoản thuộc Phần thứ nhất - Những quy định chung của BLHS số 100/2015/QH13

    a) Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

    - Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

     - Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 02 tội danh, đó là tội giết người (Điều 123) và tội cướp tài sản (Điều 168).

    - Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng quy định thời gian tính để đương nhiên được xóa án tích đối với người chưa thành niên căn cứ vào mức hình phạt đã tuyên và ngắn hơn so với người đã thành niên để có sự phân hóa đối với từng trường hợp và bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ với cách quy định thời hạn xóa án tích đối với người bị kết án đã thành niên (khoản 2 Điều 70 BLHS).

    b) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập

    - Bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9 và 86 của BLHS);

    - Mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh (Điều 76 của BLHS) đó là tội tài trợ khủng bố (300) và tội rửa tiền (Điều 324).

    c) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm

    BLHS số 100/2015/QH13 (khoản 3 Điều 19) quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm khi đáp ứng 03 điều kiện sau đây: tội mà người bào chữa không t giác phải do chính thân chủ của họ đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện; (ii) người bào chữa biết được thông tin đó khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa; tội phạm mà người bào chữa không tố giác không phải là một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

    Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của Luật sư trong trường hợp không tố giác tội phạm, theo đó, về nguyên tắc, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm của thân chủ mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa, chỉ trừ một trường hợp duy nhất là không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thân chủ của mình đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng với điều kiện là "người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa".

    d) sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số vấn đề khác thuộc phần Những quy định chung của BLHS số 100/2015/QH13

    - Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng bổ sung quy định xử lý hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 của BLHS.

    - Sửa đổi, bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 của BLHS số 100/2015/QH13. Theo đó, điểm s khoản 1 thay từ "hoặc" giữa cụm từ "người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn ăn hối cải" thành dấu phẩy (,); điểm t khoản 1 thay cụm từ "cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm" thành "cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện hoặc điều tra tội phạm" cho bao quát hơn; điểm x khoản 1 sửa đổi thành "người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ", theo đó, chỉ khi người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ mới là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn trường hợp người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng thì không phải là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

    - Sửa đổi, bổ sung Điều 54 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt được áp dụng là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơnnhằm tạo linh hoạt trong việc áp dụng quy định này trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời phù hợp với thực tiễn.

    - Sửa đổi, bổ sung Điều 61 của BLHS số 100/2015/QH13 theo hướng không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khaonr 3 và khoản 4 Điều 353; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của BLHS.

    đ) Sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật tại một số điều khoản của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng các quy định này của BLHS trong thực tiễn.

    2.2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số điều, khoản thuộc Phần Các tội phạm của BLHS số 100/2015/QH13

    Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số điều, khoản thuộc Phần thứ hai - Các tội phạm của BLHS số 100/2015/QH13 tập trung vào 06 nội dung cơ bản, gồm (1) sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung để đảm bảo sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tranh chồng chéo, trùng lặp; (2) sửa đổi, bổ sung về mức hình phạt trong các khung để bảo đảm sự phân hóa rõ, hợp lý mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau; (3) sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; (4) bỏ tội tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 292 BLHS năm 2015; (5) bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào BLHS năm 2015; (6) sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật trong một số điều, khoản cụ thể của BLHS số 100/2015/QH13. Cụ thể như sau:

    a) Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm

    Luật số 12/2017/QH14 đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của một số điều luật của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác. Đặc biệt, Luật đã điều chỉnh mức định lượng về khối lượng, thể tích các chất ma túy tại các khoản của các điều luật để tránh trùng lặp và phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

    Đối với tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 283) và tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 284), Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi các tình tiết định lượng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác[2] theo hướng không quy định định lượng cụ thể mức độ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà trở lại cách quy định của BLHS năm 1999 là "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng" hoặc "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" để đảm bảo bao quát hết các trường hợp phạm tội có khả năng xảy ra trong thực tiễn và linh hoạt trong cách xử lý tội phạm.

    Tương tự như vậy, các tội danh liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sựvật liệu nổ(các Điều 304 và 305 của BLHS), thì Luật số 12/2017/QH14 cũng đã sửa đổi các tình tiết định lượng về số lượng vũ khí quân dụng, phương tiệnkỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ quy định tại các điều này[3] theo hướng không liệt kê cụ thể từng loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sựvật liệu nổ mà trở lại cách quy định của BLHS năm 1999 là sử dụng tình tiết định tính "số lượng lớn", "số lượng rất lớn" hoặc "số lượng đặc biệt lớn".

    b) Sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến cấu thành của một số tội phạm của BLHS để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các tội phạm có sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành cơ bản liên quan đến một số tội phạm về an ninh quốc gia, tính mạng sức khỏe, sở hữu, kinh tế, môi trường, ma túy, an toàn công cộng, hoạt động tư pháp. Có thể kể tới một số tội phạm đặc trưng sau:

    - Bổ sung hành vi “cướp phá tài sản” vào cấu thành tội bạo loạn (Điều 112) để bao quát hành vi cấu thành tội hoạt động phỉ trước đây theo BLHS năm 1999.

    - Bỏ tình tiết định tội “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” tại Điều 172, 173, 174 và 178 của BLHS.

    - Quy định riêng về đối tượng hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ tại Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) của BLHS.

    - Bỏ quy định giá trị của hàng giả căn cứ vào giá bán, giá niêm yết, giá ghi trên hóa đơn làm cơ sở xử lý hình sự tại Điều 192 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả và Điều 193 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm của BLHS năm 2015.

    - Bổ sung chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá KHAT (có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy (các Điều 248, 249, 250, 251, 252), đồng thời, bổ sung quy định mang tính bao quát là "bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định" vào từng điều, khoản, điểm có liên quan để bao quát các trường hợp phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy.

    - Sửa đổi cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể tại cấu thành cơ bản của một số tội phạm theo hướng nâng tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác làm căn cứ xử lý hình sự tại các Điều 199, 227, 237, 238, 242, 281.

    - Sửa đổi, bổ sung cấu thành giảm nhẹ của một số tội phạm[4] theo hướng giới hạn phạm vi xử lý hình sự đối với trường hợp phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả; theo đó, chỉ xử lý hình sự đối với trường hợp phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả quy định tại khoản 3 của điều này (tức là hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng).

    - Sửa đổi, bổ sung cấu thành của tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản (Điều 344) theo hướng loại bỏ những hành vi mang tính vi phạm thủ tục, nghiệp vụ xuất bản cho phù hợp hơn với thực tiễn, nhưng không thay đổi chính sách xử lý đối với tội phạm này.

    - Sửa đổi, bổ sung cấu thành tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388) theo hướng bỏ hành vi “tổ chức sử dụng chất ma túy”, hành vi “cưỡng đoạt tài sản” và hành vi "đưa vào, tàng trữ, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần" để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp hơn về chính sách hình sự.

    - Sửa đổi, bổ sung cấu thành tội gây rối trật tự phiên tòa của BLHS năm 2015 (Điều 391), theo đó, không chỉ hành vi gây rối trật tự phiên tòa mới bị xử lý hình sự mà hành vi gây rối trật tự phiên họp của Tòa án sẽ là cơ sở xử lý hình sự.

    c) Sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khung của một số điều luật để bảo đảm sự phân hóa rõ, hợp lý mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau

    Luật số 12/2017/QH14đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của một số điều luật[5] liên quan đến tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm an toàn giao thông và trật tự công cộng nhằm bảo đảm phân hóa chính sách xử lý đối với từng trường hợp phạm tội, nhất là giữa trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả với trường hợp phạm tội có khả năng gây ra hậu quả[6].

    d) Bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS số 100/2015/QH13)

    Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS số 100/2015/QH13 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng". Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, Luật số 12/2017/QH14 đã bãi bỏ Điều 292 của BLHS số 100/2015/QH13 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

    đ) Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a BLHS)

    Trong thời gian qua, hành vi kinh doanh đa cấp trái phép diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội. Mặc dù đa số các trường hợp trên đã được xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, do việc  phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo thì mới xử lý được theo tội này nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự được thì đã quá muộn dẫn đến không thể khắc phục được hậu quả. Vì vậy, Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung thêm 01 điều luật mới quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a).

    e) Ngoài ra, Luật số 12/2017/QH14 có những sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật trong một số điều, khoản cụ thể của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến các quy định viện dẫn, sử dụng từ ngữ cũng như các sửa đổi khác về kỹ thuật nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng thống nhất các quy định của BLHS trong thực tiễn.

  • Tác giả: Nguyễn Hoài Nam - Phòng Văn Hóa huyện Điện Biên Nguồn: ST- Bộ Tư pháp
  • Các tin bài khác:
  • các quyết định V/v thu hồi đất huyện Điện Biên quản lý để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình: Xây dựng Trụ sở làm việc công an xã, thị trấn biên giới thuộc Công an các tỉnh
  • Quyết định Về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hoàng Văn Bình và bà Đinh Thị Tuyền, địa chỉ thửa đất tại bản Chiềng Xôm, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
  • Quyết định Về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hoàng Văn Bình và bà Đinh Thị Tuyền, địa chỉ thửa đất tại bản Chiềng Xôm, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
  • Thông tin, tuyên truyền Công ty cổ phần Thương mại Tam Quy tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản.
  • Thông báo về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất không thành
  • QĐ về việc thu hồi đất của bà Phạm Thị Khuyên tại xã Thanh Xương huyện Điện Biên do tự nguyện trả lại đất để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel theo dây truyền công nghệ lò nung trần phẳng tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
  • Thông báo đấu giá tài sản
  • Công khai điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương năm 2021
  • Công khai Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 huyện Điện Biên Và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Điện Biên
  • các quyết định Thu hồi đất để thực hiện dự án: Mở rộng bãi đỗ xe nghĩa trang C1 xã Thanh Luông huyện Điện Biên
  • 151-160 of 371<  ...  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  ...  >
  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: