• Kết luận số 105-KL/TW của Bộ Chính trị - Tăng cường kiểm soát kê khai tài sản: Giải pháp then chốt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
  • Thời gian đăng: 13/05/2025 08:47:01 AM
  • Trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng được đẩy mạnh, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên là một yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng một nền hành chính liêm chính, công khai, hiệu quả. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, ngày 04/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 105-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; khẳng định rõ vai trò then chốt của việc kê khai và kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị và công tác cán bộ.
  • Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 33-CT/TW, công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo thành quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, góp phần thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực thi trách nhiệm kê khai trong thực tế. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng cao; việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản từng bước đi vào nền nếp; công tác xác minh, kiểm tra, giám sát được chú trọng và tăng cường. Những chuyển biến đó đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ các cấp.

    Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục. Một số quy định còn thiếu đồng bộ, chưa cụ thể và chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới. Trách nhiệm của một số cấp ủy, cơ quan chức năng trong chỉ đạo thực hiện vẫn còn chưa cao, cá biệt có những trường hợp người đứng đầu chưa nêu gương, thậm chí vi phạm đến mức phải xử lý. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn đối phó, hình thức trong kê khai, thiếu trung thực, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

    Trước yêu cầu đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng và quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, trung thực và tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Đồng thời, cần rà soát và hoàn thiện hệ thống quy định liên quan, từ diện người kê khai, thủ tục, phương thức công khai, đến quy trình xác minh và chế tài xử lý vi phạm, đảm bảo đồng bộ, minh bạch và khả thi.

    Một điểm nhấn quan trọng trong Kết luận lần này là yêu cầu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản, cũng như hệ thống quản lý, giao dịch liên quan đến bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng được xác định là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng và rửa tiền.

    Công tác giám sát cũng được yêu cầu triển khai mạnh mẽ hơn, với sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan báo chí và Nhân dân. Đây là điều kiện then chốt để kịp thời phát hiện vi phạm, chấn chỉnh sai sót và nâng cao hiệu quả thực hiện trong thực tế. Những hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm quy định về kê khai và kiểm soát tài sản sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch.

    Cụ thể, Kết luận số 105- KL/TW ngày 04/12/2024 của Bộ Chính trị đề ra các nhiệm vụ trong thời gian tới đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, trong đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

    1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và sự gương mẫu, tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

    2. Rà soát để bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; trọng tâm là:

    - Hoàn thiện quy định về diện người có nghĩa vụ kê khai; trình tự, thủ tục, nội dung, nơi kê khai và công khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm, thẩm quyền, quy trình, nội dung, cách thức, đối tượng, phạm vi xác minh tài sản, thu nhập; trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phối hợp kiểm soát tài sản, thu nhập; chế tài xử lý vi phạm về kê khai và công khai tài sản, thu nhập; chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong việc cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập.

    - Thực hiện nghiêm việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật. Cấp uỷ viên thuộc diện kê khai phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trong cấp uỷ tại cơ quan công tác trực tiếp; đảng viên thuộc diện kê khai phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại chi bộ nơi mình đang sinh hoạt theo quy định của Đảng; đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

    - Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập; bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin, an toàn.

    - Hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, đất đai, tài nguyên, thuế, ngân hàng, chứng khoán; về đăng ký, quản lý, giao dịch tài sản, nhất là bất động sản; về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam để góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

    3. Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước với sự giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí và Nhân dân để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót; xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, vi phạm quy định về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Định kỳ sơ kết, tổng kết để có giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện.

    4. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập với các cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

    Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng. Đồng thời, cần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm soát tài sản, thu nhập và tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

    Có thể nói, Kết luận số 105-KL/TW là sự tiếp nối, bổ sung và cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó không chỉ là yêu cầu chính trị, mà còn là đòi hỏi tất yếu để xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên – đặc biệt là người đứng đầu – cần nghiêm túc tự soi, tự sửa, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, để việc kê khai và kiểm soát tài sản thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

  • Các tin bài khác:
  • TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU HUYỆN ĐIỆN BIÊN
    TỌA ĐÀM 35 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM VÀ 15 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM GDTX HUYỆN ĐIÊN BIÊN
    Huyện Điện Biên tổ chức giải bóng đá thanh niên
    Huyện Điện Biên tập huấn giảm nghèo Thông tin năm 2017
    Lễ hội Tết hoa bản Púng Bon xã Pa Thơm huyện Điện Biên.
    TẤM GƯƠNG MỘT CÁN BỘ NĂNG ĐỘNG
    Huyện Điện Biên với công tác giảm nghèo
    Diễn tập tác chiến phòng thủ huyện Điện Biên năm 2017
    NGHÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN ĐIỆN BIÊN VỮNG BƯỚC TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
    Huyện Điện Biên khai giảng lớp trung cấp Lý luận Chính trị- Hành chính hệ tại chức khóa 8 (2017-2018)
    241-250 of 2177<  ...  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: