Về dự và chúc mừng “Lễ mừng cơm mới” của Nhân dân bản Pa Xa Lào có đồng chí Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên; cùng các đồng chí Lãnh đạo UBND, đại diện Lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn và Đảng ủy, Chính quyền xã Pa Thơm.
(Đ/c Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên, cùng đại diện các cơ quan, đơn vi, Đảng ủy, chính quyền địa phương về dự Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào tại Bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm)
Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, Lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu Hó) là một trong những nghi lễ quan trọng trong năm, được tổ chức vào Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, khi đồng bào bước vào mùa thu hoạch vụ mùa trong năm. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của đồng bào dân tộc Lào. Nghi lễ này không chỉ hàm chứa những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo theo tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện sự tôn vinh cây lúa, cũng như các loại nông sản khác trong vụ mùa, đồng thời tạ ơn ông bà tổ tiên các vị thần linh đã luôn che chở, phù hộ cho con người, cho một năm mưa thuận gió hòa, chăn nuôi cấy trồng tốt tươi, người người khỏe mạnh, bình an.
(Chủ gia đình làm lễ cũng Tổ tiên)
Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, tại thời điểm trước đó các gia đình dân tộc Lào sẽ chọn những bông lúa đầu tiên chuẩn bị chín vàng để làm món cơm cốm (tiếng Lào gọi là Khẩu hang) đây là lễ vật không thể thiếu trong Lễ mừng cơm mới của người Lào để dâng lên ông bà, tổ tiên và các vị thần linh.
(Từ sáng sớm các thành viên trong gia đình đã chuẩn bị các vật phẩm cho lễ cúng cơm mới)
Đồng bào quan niệm, mâm lễ mừng cơm mới càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Do vậy, trong một mâm lễ mừng cơm mới của các gia đình thường có cốm non, xôi trắng, rượu, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, ... và một món không thể thiếu trong mâm lễ của các gia đình là con bọ cánh cứng hay còn có cách gọi khác là bọ Trám (Tô Che) cùng với các món kiếm được từ tự nhiên là các loại côn trùng ăn được như: Dế mèn, ong non, sâu măng… Các loại dưa, dứa, mía, chuối, mướp, bầu, bí, khoai ... Tất cả các thực phẩm trên đều được làm chín bằng cách đồ, nướng, hấp hoặc luộc chín…
(Mâm lễ cúng Tổ tiên trong Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào)
Trong Lễ mừng cơm mới, tại mỗi gia đình thường có 03 mâm lễ chính: Mâm lễ cúng Tổ tiên đặt trong nhà, nơi thờ cúng Tổ tiên; Mâm lễ cúng thần linh (Phan Tha lê) được đặt ngoài hành lang và Mâm lễ cúng các vật dụng trong nhà được đặt dưới bếp (Phan Mỏ nửng).
(Thành viên trong gia đình chuẩn bị Mâm lễ cúng thần linh (Phan Tha lê), được đặt ngoài hành lang)
Khi cúng xong, gia đình dọn cơm để mời khách, ăn mừng. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu, họ hàng về đoàn tụ còn có khách mời là bạn bè, hàng xóm. Mọi người cùng nâng chén rượu và gửi tới nhau lời chúc sức khỏe, may mắn trong cuộc sống; làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Trong các ngày diễn ra Lễ mừng cơm mới, các gia đình luân phiên đến nhà nhau để chúc mừng và ăn mừng cơm mới tạo nên sự đoàn kết, hân hoan cho cả bản.
(Đ/c Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên, cùng đại diện các cơ quan, đơn vi, Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng dự lễ, chức mừng các gia đình)
Tại buổi Lễ đồng bào tham gia vui hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Qua việc bảo tồn, phục dựng, lễ hội truyền thống được diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh được những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời tránh lạm dụng tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian, loại bỏ những hủ tục, lạc hậu không phù hợp trong đời sống cộng đồng./.
Hiệu quả công tác bình đẳng giới ở huyện Điện Biên | |