• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Bộ Công an hoàn thành 11 dịch vụ công, mở rộng thêm 187 nhóm dịch vụ công thiết yếu
  • Thời gian đăng: 18/08/2022 09:51:12 AM
  • Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), sáng 9/8/2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã trình bày Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
  • Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

    100% bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06

    Theo đó, thời gian qua, Đề án 06 đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Đề án; đưa việc thực hiện Đề án 06 vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ và đã ban hành 4 Nghị quyết có nội dung chỉ đạo Đề án 06.

    Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc họp chỉ đạo 6 nhiệm vụ chung, 32 nhiệm vụ cụ thể. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì 14 phiên họp với các bộ ngành chỉ đạo các nội dung Đề án 06; đã ban hành 1 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Thông báo với 49 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện. "Đến nay, 23/23 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, 705 cấp huyện và 10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

    Theo đồng chí Thứ trưởng, các bộ, ngành: Công an, Văn phòng Chính phủ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.

    Nổi bật là: Bộ trưởng Bộ Công an với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện và duy trì thường xuyên các cuộc họp định kỳ hàng tháng để đôn đốc, thúc đẩy công việc. Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ với vai trò Cơ quan Thường trực đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tập huấn thực hiện các nội dung của Đề án, nhất là liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa hồ sơ...

    Bộ Tư pháp đã hướng dẫn rà soát và tổng hợp đánh giá thực trạng các văn bản cần sửa Đề án 06; Bộ TT&TT hướng dẫn các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết và tiêu chuẩn, định mức phục vụ triển khai Đề án 06; hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, bố trí nguồn kinh phí, nguồn lực để triển khai Đề án; Bộ Y tế hướng dẫn "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các cơ sở GD&ĐT toàn quốc về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai thu học phí bằng hình thức không dùng tiền mặt...

    UBND các địa phương đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để triển khai thực hiện Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Chính phủ đã lựa chọn 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) để tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến lan tỏa; một số địa phương đã chủ động phối hợp triển khai một số nội dung chỉ đạo thí điểm liên quan đến Đề 06 như Quảng Ninh, Thái Nguyên. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 như: Bình Phước, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thái Nguyên...

    Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị.

    Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị.

    Bộ Công an hoàn thành 11 dịch vụ công, mở rộng thêm 187 nhóm dịch vụ công thiết yếu

    Về kết quả các mặt công tác và tiện ích đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ, các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể.

    Về hoàn thiện thể chế, các bộ, ngành đã rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản liên quan. Trong đó, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng các văn bản: Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48 ngày 3/8/2022 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....

    Về thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, đã cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã, được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Bộ GD&ĐT đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%)...

    Về kết nối, chia sẻ dữ liệu, tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Ngoài ra, Bộ Công an đã triển khai các giải pháp hỗ trợ các đoàn thể xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu; hỗ trợ Bộ Y tế, Hội Phụ nữ Việt Nam đặt hạ tầng thiết bị và quản trị dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.

    "Đặc biệt, đã thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác, hiện đang thực hiện xác thực dữ liệu với 3 nhà mạng (Vinaphone, Viettel, Mobifone), dự kiến đến ngày 15/9/2022 sẽ hoàn thành việc đối soát dữ liệu", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

    Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị.

    Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị.

    Đẩy mạnh ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử

    Một kết quả nổi bật nữa của Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2022 là đẩy mạnh ứng dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử: Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (đến nay, hệ thống đã thu nhận gần triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh). Công tác cấp CCCD gắn chip điện tử tiếp tục được đấy mạnh, đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ cho công dân.

    Việc triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chip điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như: Sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng, thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh...

    Về công tác kiểm tra an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin của 20 bộ, ngành và 61/63 địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, đến nay 11/20 bộ, ngành và 28/61 địa phương có hệ thống đáp ứng được yêu cầu về an ninh an toàn khi kết nối dữ liệu.

    Hòa Bình - Quỳnh Vinh
  • Nguồn tin: http://bocongan.gov.vn/phat-trien-du-lieu-ve-dan-cu/bo-cong-an-hoan-thanh-11-dich-vu-cong-mo-rong-them-187-nhom-dich-vu-cong-thiet-yeu-d131-t32662.html
  • 1-10 of 2081<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >