Điện Biên là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây - Nam tỉnh Điện Biên với dân số toàn huyện trên 103.000 người, trên 70% dân số là người dân tộc thiểu số với 11 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Khơ mú, Lào, Tày, Nùng, Cống, Thổ, Mường và các dân tộc thiểu số khác. Theo dòng chảy lịch sử, với tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, một lòng với Đảng, với lý tưởng của Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên luôn khắc ghi lời dạy của Bác “phải đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng Tây Bắc giàu đẹp”. Đồng bào các dân tộc huyện đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó với thôn, bản, quê hương và đồng cam, cộng khổ, không tiếc máu xương, sức người, sức của, góp phần to lớn cùng Đảng bộ, chính quyền làm nên những trang sử vẻ vang, hào hùng.
Năm năm qua, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX và thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 với sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; sự lãnh, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự tập hợp, vận động, hướng dẫn, đồng hành tích cực, hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, công chức và đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên đã phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển tích cực (cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ có mức gia tăng lớn, đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế: Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,52%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,43%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 42,6%; 100% đường trục liên xã, đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa; tổng thu ngân sách địa phương năm 2023 đạt 1.415 tỷ đồng tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2019; thu nhập bình quân đầu người là 40,78 triệu đồng (năm 2023) tăng 12,11 triệu đồng so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,71%); kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư; các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện
được triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đ/c Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, đ/c Nông Quang Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện và các đ/c lãnh đạo các cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên thăm các mô hình phát triển kinh tế tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên
Đ/c Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy và các đ/c lãnh đạo các cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên thăm, động viên HTX nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả. Hiện nay, huyện đã có 18/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu hết năm 2024, 21/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Điện Biên cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện ổn định; an ninh biên giới được đảm bảo và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, tạo sự phát triển của huyện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đ/c Bùi Xuân Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Biên chúc mừng HTX dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên
Đ/c Ngô Xuân Chinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện và các đ/c lãnh đạo các cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên thăm HTX Dứa Mường Nhà
Đặc biệt, huyện luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… Thường xuyên vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng lợi thế của từng địa phương phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị. Từ đó đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao, như: vùng trồng rau màu, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi đại gia súc… đã tạo bước đột phá cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn huyện Điện Biên. Quan tâm phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú trọng khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, tạo thành những sản phẩm văn hóa - du lịch đậm đà bản sắc dân tộc như: Lễ hội té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào, Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt của dân tộc Khơ mú, Tết Hoa mào gà của dân tộc Cống… thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài huyện; tạo động lực phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lễ hội Tết hoa mào gà dân tộc Cống xã Pa Thơm, huyện Điện Biên
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư bản Tin Tốc, xã Mường Lói, huyện Điện Biên
Tết Té nước (Bun Huột Nặm) của cộng đồng dân tộc Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Điện Biên đã có nhiều thay đổi, như: Phương pháp canh tác được thay đổi, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều xã khó khăn đã trở thành xã nông thôn mới; các mô hình sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều; nhiều tấm gương hiến đất, ủng hộ, vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới… đã thực sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên, tạo bước đổi thay lớn trong tư tưởng và hành động của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Điện Biên.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác cán bộ được quan tâm. Hiện nay, huyện có 41,88% cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Đây là những hạt nhân chính trị vô cùng quan trọng. Mỗi người ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản đều phát huy cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, vừa lãnh đạo, chỉ đạo vừa tập hợp, đoàn kết, vận động đồng bào tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số huyện Điện Biên đã đạt những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, được các cấp ủy, chính quyền tôn vinh. Nhiều già làng, trưởng bản tiêu biểu, mẫu mực trong cộng đồng… trở thành những tấm gương điển hình tiêu biểu cho ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển quê hương.
Tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về đại đoàn kết dân tộc và vai trò, sức mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn mãi còn nguyên giá trị. Với đặc thù một huyện đa dạng dân tộc và dân số chủ yếu là dân tộc thiểu số, huyện càng phải thực hiện tốt hơn tư tưởng của Người.
Trước đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu phát triển của huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên xác định nhiệm vụ chủ yếu công tác dân tộc trong giai đoạn tới, đó là:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 22/11/2023 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới; Chương trình số 141-CTr/HU, ngày 19/4/2024 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Kế hoạch số 151-KH/HU của BTV Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 22/11/2023 của BTV Tỉnh ủy Điện Biên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới... Đẩy mạnh các phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách trên địa bàn huyện, trọng tâm là các chương trình MTQG để tăng cường phát triển kinh tế, đẩy nhanh công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/HU, ngày 10/01/2022 của BCH Đảng bộ huyện về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, chế biến theo chuỗi giá trị phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Ba là, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, khuyến khích học nghề, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức vệ sinh phòng chống dịch bệnh, chương trình kế hoạch hóa gia đình đến đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bốn là, tiếp tục bảo tồn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa mới. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống, văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trong huyện.
Năm là, tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc liên quan đến quốc phòng và đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những phát sinh ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng, điểm phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là ở các địa bàn chiến lược, vùng giáp ranh với huyện Mường-mày, huyện Phôn-thoong, nước CHDCND Lào. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân vùng biên giới.
Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Điện Biên trong năm 2024 và giai đoạn 2024-2029 là hết sức nặng nề; song với truyền thống quý báu của dân tộc và quê hương, Đảng bộ, chính quyền huyện tin tưởng rằng, thời gian tới, đồng bào các dân tộc huyện sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Điện Biên lần thứ IV năm 2024 đã đề ra, góp phần xây dựng huyện Điện Biên phát triển toàn diện, bền vững.
NHCSXH Điện Biên phối hợp với Hội đoàn thể cấp huyện triển khai hướng dẫn sắp xếp, lưu giữ hồ sơ hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ TK&VV | |