Nói đến người Thái Điện Biên, chúng ta không thể không kể đến chiếc khăn piêu, đây là một nét văn hoá độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Chiếc khăn piêu không chỉ góp phần làm đẹp thêm cho bộ trang phục truyền thống của người Thái mà tcòn chứa đựng những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa được đúc kết và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Khăn piêu không chỉ là một phần trong bộ trang phục mà còn gắn liền với đời sống thường ngày của người phụ nữ dân tộc Thái. Cùng với chiếc váy và áo cóm. Khăn piêu góp phần tạo nên một nét đẹp với sắc thái hấp dẫn riêng biệt của bộ trang phục người phụ nữ dân tộc Thái. Khi đội khăn, một đầu khăn buông xuống sau lưng, một đầu khăn hất lên trên đỉnh đầu, hai chùm "cút pụa" chùm hai bên má làm tôn thêm vẻ đẹp trên khuôn mặt của người phụ nữ Thái.
Để làm ra được một chiếc khăn piêu, người phụ nữ Thái phải rất vất vả và chăm chỉ.Trải qua nhiều công đoạn; từ trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm đến lựa chọn kim chỉ và thêu thùa. Mỗi chiếc khăn Piêu có chiều dài từ 140 -150cm; kỹ thuật thêu khăn không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Khăn piêu của người Thái không trang trí các hoa văn, họa tiết ở toàn bộ dải khăn, mà chỉ tập trung trang trí tại 2 đầu khăn. Piêu được tạo ra bằng cách thêu luồn các sợi chỉ màu đan xen trên mặt vải, điều đặc biệt là người phụ nữ Thái không thêu khăn mở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu ở mặt trái, các hoa văn và màu sắc, hình khối trong piêu sẽ hiện lên ở mặt phải đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và tính thẩm mỹ dân gian tài tình. Điều đáng quan tâm để ghi nhận là tất cả các cô gái Thái không được học qua một trường lớp nào về cách thức, kỹ thuật như: tạo hình, phối màu nhưng những chiếc khăn Piêu họ làm ra đều được trang trí rất hài hoà, trang nhã, đẹp mắt. Ðể có được một chiếc khăn Piêu hoàn chỉnh, đẹp mắt với đầy đủ các họa tiết, hoa văn thường phải mất gần 1 tháng. Quan trọng và khó nhất trong việc thêu khăn là làm sao tạo ra được những hình khối, hoa văn nhưng vẫn thể hiện được các sắc màu, đường nét tinh tế, tỉ mỷ đảm bảo tính thẩm mỹ cao. Các nét hoa văn được thể hiện trên chiếc khăn piêu không những nói lên sự tài hoa khéo léo của người con gái Thái mà còn chứa đựng tính giáo dục sâu sắc được truyền dạy từ đời này qua đời khác với tư duy sáng tạo được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay.
Trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa của người con gái Thái, khăn piêu còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị khác nhau, được coi như một món quà, một tín vật, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm... Khăn piêu còn dùng để làm quà tặng bố, mẹ, họ hàng bên nhà chồng khi cô gái chuẩn bị về làm dâu. Bởi vậy mà ngay từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, người con gái Thái đều được những người bà, người mẹ truyền dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Để làm ra được chiếc khăn Piêu đối với các cô gái Thái là cả một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Thông thường đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã thành thạo và các cô gái phải tự tay làm ra những chiếc khăn piêu để chuẩn bị đi lấy chồng và khăn piêu sẽ là món quà tặng không thể thiếu của người con gái Thái cho gia đình nhà chồng khi mới về làm dâu.
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, quá trình giao thoa, giao lưu văn hóa cácdân tộc, vùng miền đã tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống trong đó có chiếc khăn piêu của người phụ nữ dân tộc Thái. Việc tự thêu nên những chiếc khăn piêu thủ công truyền thống cũng mai một dần, thay vào đó là những chiếc khăn piêu được sản xuất làm ra từ vải và chỉ mầu công nghiệp. Tuy nhiên, những chiếc khăn piêu của người phụ nữ Thái vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc truyền thống, sự tinh túy in đậm bản sắc văn hoá riêng của đồng bào người dân tộc Thái đen Điện Biên.
Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện tặng quà Tết Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh và Làng Trẻ em SOS Điện Biên Phủ | |
CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO CHÀO XUÂN QUÝ MÃO NĂM 2023 | |