• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ
  • Thời gian đăng: 01/03/2024 02:48:22 PM
  • Nhằm đạt tới mục tiêu chung mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 23/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  • Trên quan điểm, Hệ thống y tế được đổi mới, phát triển bảo đảm công bằng, hiệu quả, chất lượng, có tính giải trình, bền vững và khả năng chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu và lấy người dân làm trung tâm; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, dược phẩm và thiết bị y tế có chất lượng với chi phí hợp lý. Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở, bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và đại dịch. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, ưu tiên đầu tư ngân sách và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt; khuyến khích, thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập. Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 23/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể như:

    Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.

    Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh; thu hẹp khoảng cách về bệnh tật, tử vong giữa các vùng, miền, các nhóm dân tộc. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.

    Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên.

    Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đặc biệt nhân lực cho y tế cơ sở, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng; bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

    Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, nghiên cứu và phát triển dược, thiết bị y tế được chú trọng; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

    Bảo đảm việc tiếp cận và tính sẵn có của thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; ưu tiên phát triển công nghiệp dược, dược liệu và thiết bị y tế trong nước. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

    Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo, bãi ngang ven biển, các khu vực khó khăn.

    Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, chính sách y tế tiếp tục được đổi mới, bảo đảm chất lượng, đầy đủ, đồng bộ; năng lực quản trị hệ thống y tế được nâng cao theo hướng hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, hiện đại, hội nhập.

    Định hướng đến năm 2045, Hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

    Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

    1. Nâng cao sức khỏe nhân dân;

    2. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở;

    3. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và sự hài lòng của người bệnh;

    4. Công tác dân số và phát triển;

    5. Phát triển nhân lực y tế;

    6. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ;

    7. Phát triển sản xuất, cung ứng thuốc, thiết bị y tế;

    8. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số;

    9. Đổi mới tài chính y tế và bảo hiểm y tế;

    10. Phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh;

    11. Tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và truyền thông cung cấp thông tin y tế;

    12. Hoàn thiện hệ thống thể chế, tăng cường quản lý nhà nước về y tế.

    Chi tiết Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 23/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ tại đây: Quyết định số 89/QĐ-TTg

  • 71-80 of 2020<  ...  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  ...  >