Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 có một số sửa đổi, bổ sung. Tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung thêm chiều việc làm, vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp.
Nghị định đưa ra các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể như sau:
Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021
Từ ngày 01/01/2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2021.
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025
Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025:
- Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm:
(1) Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
(2) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025
- Chuẩn hộ nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực thành thị.
- Chuẩn hộ cận nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực thành thị.
- Chuẩn hộ có mức sống trung bình: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ở khu vực thành thị.
Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.
Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư, là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, huyện Điện Biên đã đạt được kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo những năm vừa qua. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 29,03% đầu năm 2016 xuống còn 10,7% cuối năm 2020, bình quân giảm 3,67%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Để đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng như vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là chuẩn nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, bám sát chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều theo hướng như trên là phù hợp dựa trên căn cứ thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam./.
Phát huy giá trị văn hoá, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển đất nước | |