Cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX, do yêu cầu cách mạng, Trung ương Ðảng thấy cần thiết phải có một tổ chức đảng để lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện phong trào cách mạng vùng Ðiện Biên - Lai Châu. Chính vì vậy, ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu ngày nay) được thành lập theo quyết định của Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10, với 3 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh) được chỉ định làm Trưởng ban. Ngày 2/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Ban Cán sự Ðảng Lai Châu công bố quyết định của Liên Khu ủy 10 về việc thành lập Chi bộ Ðảng Lai Châu gồm 20 đồng chí.Từ ngày 21 đến 26-10-2003, kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Ngày 25-12-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định 877-QĐNS/TW “Về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Điện Biên”.
Sự ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu (1949 - 2003) và Ban cán sự Đảng Điện Biên (2003 - nay) đã đánh dấu bước tiến bộ mới của phong trào cách mạng Điện Biên. Từ đây nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng để tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương mình. Cũng từ đây, mỗi bước đi, mỗi thắng lợi giành được của tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, chuyên cần trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đảng bộ Điện Biên đã đi một chặng đường dài 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành được thể hiện qua các giai đoạn cách mạng quan trọng sau:
* Giai đoạn 1949-1954: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Lai Châu.
Tháng 1/1950 Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc (lấy tên chiến dịch Lê Hồng Phong I). Ở Lai Châu ta đã tổ chức một số trận đánh, do chưa tổ chức tốt việc phối hợp giữa bộ đội và dân quân du kích dẫn đến thất bại. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã chỉ đạo các tổ, đội công tác động viên nhân dân xây dựng lại căn cứ cách mạng đồng thời chỉ đạo và xây dựng các đoàn thể quần chúng như: Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc... Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10/1952) kết thúc thắng lợi, Ban cán sự Đảng Lai Châu lãnh đạo nhân dân vùng giải phóng khẩn trương khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời tích cực xây dựng các đoàn thể quần chúng, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang để chuẩn bị cho việc giải phóng Lai Châu. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trên đà thắng lợi. Thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm lại Điện Biên Phủ (20-11-1953) và xây dựng tại đây một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Theo quyết định của Bộ Chính trị và kế hoạch “Chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã cử đoàn công tác xuống các địa phương, vận động nhân dân chuẩn bị về mặt tinh thần, ý chí cũng như lương thực, thực phẩm để đón bộ đội chủ lực vào giải phóng Lai Châu. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên khi ta mở chiến dịch và giải phóng Điện Biên, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi chung của cả dân tộc. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Ban cán sự Đảng Lai Châu lại tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang diệt phỉ trừ gian. Sau 4 tháng tiêu diệt tàn phỉ, Lai Châu đã hoàn toàn giải phóng. Ngoài việc tiễu phỉ, Ban cán sự Đảng Lai Châu còn chú trọng đến việc lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói giáp hạt và củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang trong tỉnh. 5 năm kể từ ngày thành lập, Ban cán sự Đảng Lai Châu ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Từ 18 đảng viên ban đầu, đến tháng 12/1954 đã có 212 đảng viên.
* Giai đoạn 1955-1965: Đảng bộ lãnh đạo sự nghiệp khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kinh tế được khôi phục, tập trung vào phát triển nông nghiệp nhất là sản xuất lương thực; đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho nông nghiệp. Năm 1963 toàn tỉnh có 645 hợp tác xã, với 13.466 hộ, chiếm 59,9% số hộ toàn tỉnh. Công tác y tế, văn hóa, giáo dục cũng được quan tâm như xóa mù chữ, mở trường học cho con em nhân dân các dân tộc. Năm học 1963-1964 tổng số học sinh phổ thông toàn tỉnh là 6.182 em. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể được gắn chặt với phong trào phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa. Tiến hành thành lập lại tỉnh Lai Châu và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất vào năm 1963.
* Giai đoạn 1966-1975: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào.
Về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu to lớn: Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được thiết lập, củng cố, kiên trì xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, phát triển nông trường quốc doanh... Tổng sản lượng lương thực năm 1975 đạt 102.860 tấn, có 13 xí nghiệp quốc doanh, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 88,1%; giao thông vận tải phát triển nhanh năm 1973 tăng gấp 4 lần so với trước chiến tranh; các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Phong Thổ đã có trường cấp III. Năm học 1974-1975 số học sinh phổ thông là 25.207 em. Hầu hết các xã có trạm y tế; văn hóa báo chí được phát triển phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu chống Mỹ và tay sai, giúp đỡ cho cách mạng Lào, sẵn sàng chiến đấu, huy động con em lên đường chiến đấu, là hậu phương cho nước bạn Lào chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, chống lại các hoạt động gián điệp, biệt kích, các lực lượng phản động, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ tiến hành 2 kỳ đại hội Đảng: Đại hội lần thứ II (từ ngày 28/3 đến 5/4/1970) và lần thứ III (từ ngày 26/4 đến ngày 1/5/1975).
* Giai đoạn 1976-1985: Lai Châu cùng cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.
Kinh tế được phát triển; tổng sản lượng lương thực năm 1985 đạt 138.712 tấn (tăng 61,15% so với năm 1975); công nghiệp năm 1985 đạt 9.990 triệu đồng (tăng 44%), đã có một số cơ sở sản xuất mặt hàng mới như: sành, sứ, gạch men... Văn hóa – xã hội được đẩy mạnh, phong trào học phổ thông, bổ túc văn hóa, nông nghiệp, kỹ thuật có bước chuyển biến khá. Năm 1985 có 49.745 học sinh (tăng gấp 2 lần so với năm 1975) số học sinh là người dân tộc ít người hằng năm đều tăng, chất lượng học tập được nâng lên. Công tác y tế được đảm bảo, số y, bác sỹ ngày một tăng; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin đại chúng có bước phát triển. Đảng bộ và nhân dân đã huy động sức người sức của, chiến đấu anh dũng bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc, đồng thời tiếp tục củng cố quốc phòng, xây dựng, bảo vệ tuyến biên giới vững chắc.
* Giai đoạn 1986 - 2003: Đảng bộ lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Kinh tế phát triển; sản lượng lương thực năm 2000 là 190.000 tấn. Lai Châu đã tự giải quyết được vấn đề lương thực. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1986 là 7.596 triệu đồng, đến năm 2000 đạt 165 tỷ đồng. Văn hóa xã hội phát triển, đã duy trì được hệ thống trường lớp nhất là ở vùng thấp, thị xã, thị trấn. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bổ sung nâng cao chất lượng. Số học sinh các cấp luôn tăng. Năm 1986 có 52.373 học sinh. Năm học 1999-2000 tăng lên với 130.895 học sinh. Cơ sở vật chất và chính sách về sự nghiệp giáo dục được quan tâm. Trong lĩnh vực Y tế đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới cho 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị với 1.000 giường bệnh, 100% xã, phường có trạm y tế, 22 phòng khám khu vực; toàn tỉnh có 1.200 bản có cán bộ y tế. Sự nghiệp văn hóa thông tin được duy trì và phát triển. Công tác An ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội đã được thực hiện tốt. Công tác quân sự đã luôn đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, việc đấu tranh chống tội phạm được thực hiện tích cực, với sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng và quần chúng nhân dân. Công tác xây dựng Đảng: Tập trung vào nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đảng bộ tỉnh ngày một lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đảng bộ tiến hành 4 kỳ đại hội Đảng: Đại hội lần thứ VII (tháng 10 - 1986), lần thứ VIII (tháng 9 - 1991), lần thứ IX (tháng 5 - 1996) và lần thứ X (tháng 1 - 2001). Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thành công việc chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên. Hai tỉnh đã sớm củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chuyển biến rõ nét, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh toàn diện, góp phần tăng cường khối đoàn kết các dân tộc.
* Giai đoạn 2004 đến nay: Những kết quả Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu (cũ) đạt được đã tạo cho tỉnh Điện Biên thế và lực mới, cùng cả nước vững bước trong sự nghiệp đổi mới của Đảng ở thế kỷ XXI. Đảng bộ đã tiến hành 3 kỳ đại hội Đảng: Đại hội lần thứ XI (tháng 12 - 2005), Đại hội lần thứ XII (tháng 10 - 2010) và Đại hội lần thứ XIII (tháng 10 - 2015).
Nền kinh tế Điện Biên đã phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu đề ra. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 27,31 triệu đồng/năm (tương đương 1.236,8 USD), tăng 1,24 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, năm 2018: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,96%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,82%, dịch vụ chiếm 54,61%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và có mặt được nâng cao hơn. Văn hóa – xã hội phát triển mạnh; đến nay Điện Biên đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; cả tỉnh có 159 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% số xã, phường có trạm y tế trong đó có 24,6% số trạm y tế có bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 8,44. 100% nhân dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo đảm không để bệnh dịch lớn xảy ra. Các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao; 88% số dân ở đô thị được sử dụng nước sạch, 72,6% số dân ở nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ dân có máy thu hình và được xem truyền hình đạt 72%; 100% số hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương đạt 82%. Hoạt động văn hóa, các phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân hưởng ứng tích cực. Công tác đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56% (từ 41,64% năm 2017 xuống 37,45% năm 2018), vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; riêng 05 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,09%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động có chuyển biến tích cực.Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai toàn diện, hiệu quả. An ninh tuyến biên giới, an ninh chính trị nội bộ được giữ vững, ổn định. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng; các cấp, ngành tiếp tục tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và triển khai thực hiện các nội dung trong Biên bản hội đàm đã ký kết với các tỉnh Bắc Lào. Duy trì quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạt kết quả rõ nét trên một số nội dung. Tổ chức cơ sở Đảng phát triển: Từ một Ban Cán Sự Đảng (tháng 10 năm 1949), đến nay Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã có 14 đảng bộ trực thuộc, 645 tổ chức đảng (234 đảng bộ cơ sở, 411 chi bộ cơ sở), với 38.214 đảng viên. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tích cực thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị có bước đổi mới.
Những kết quả đạt được trong 70 năm qua đã khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, là trung tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động sức mạnh nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đảng, chính quyền. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh, lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong thời gian tới, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém bằng giải pháp cụ thể, mang tính khả thi. Ðặc biệt, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, các cấp ủy trong Ðảng bộ tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng địa phương. Từng cấp ủy, đảng viên trong toàn Ðảng bộ phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, làm tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Ðảng. Chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và truyền thống đoàn kết các dân tộc, quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên ổn định về chính trị, vững mạnh về kinh tế và phấn đấu “thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” như mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, lần thứ XIII đã đề ra. Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng và các danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng nhất và hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều Huân chương lao động các loại. Nhân dân và các Lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân được Đảng, Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương các loại./.
Một số vấn đề rút ra qua đại hội điểm cấp cơ sở tại Đảng bộ huyện Điện Biên | |