Điện Biên là huyện vùng cao, biên giới có diện tích rộng, dân số đông, số người trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn, nhưng hiện nay còn thiếu việc làm, hoặc có việc làm nhưng chưa sử dụng hết thời gian lao động. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh. Vì vậy, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn hiện nay là vấn đề mang tính chiến lược, là đòi hỏi vừa lâu dài, vừa cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của huyện.
Công tác Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đảm bảo Quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, chỉ đạo điều hành của UBND huyện, chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp tích cực của các phòng, ban, cơ quan, ngành, đoàn thể, cấp ủy, UBND các xã trong huyện và các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, ngay từ đầu năm UBND huyện đã xây dựng, ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch Giải quyết việc làm, Phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã trong huyện, tổ chức tuyên truyền giúp lao động nông thôn nắm được các chế độ, chính sách đối với lao động việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà máy, công ty. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể, UBND các xã tổ chức tuyên truyền các chính sách về lao động việc làm tại 25/25 xã, tập huấn cho 337 cán bộ xã, thôn bản về công tác lao động, việc làm. Thông qua việc triển khai giải quyết việc làm, đã giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 1.480 lao động đạt 102% kế hoạch năm.
UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, thông báo cho lao động trên địa bàn huyện được biết và tham gia Hội chợ việc làm do Sở Lao động - Thương binh xã hội phối hợp với đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức, có trên 1.500 lao động tham gia; thông qua việc tư vấn, tuyên truyền tại Hội chợ Việc làm đã có 330 lao động đăng ký tham gia. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đi làm việc ngoài tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, đã có 251 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc,... và 10 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan...
Tuy nhiên, công tác đưa lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp của UBND một số xã trong việc tuyên truyền triển khai tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn xã còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ vé xe cho người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp khu công nghiệp ngoài tỉnh theo Quyết định số 15/2017/UBND của UBND tỉnh còn gặp khó khăn, việc báo, cáo cập nhật thông tin tuyển dụng lao động của các đơn vị tuyển dụng chưa thường xuyên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa báo cáo để Huyện nắm và tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định. Một bộ phận lao động không thích xa gia đình, kỷ luật lao động chưa cao lên không muốn đi làm việc tại các khu công nghiệp lao động với cường độ cao.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và Chương trình xây dựng NTM, trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp cơ bản, đó là:
Thứ nhất Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng để người lao động lựa chọn lĩnh vực lao động, đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị, doanh nghiệp và UBND các xã trong việc tuyên tuyền, tư vấn tuyển dụng lao động. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động.
Hai là, Phối hợp với Sở Lao động - TB&XH, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các doanh nghiệp trong nước hàng năm tổ chức Hội chợ về việc làm, tạo cơ hội cho lao động nông thôn của huyện tiếp cận và tham gia làm việc ở thị trường lao động trong nước và nước ngoài; thông qua Hội chợ Việc làm tư vấn, hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho lao động, giúp cho lao động lựa chọn việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp, nhà máy tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ba là, Thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, nhà máy trong và ngoài tỉnh.
Bốn là, Thực hiện tốt công tác cho vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm và các quỹ tín dụng phát triển sản xuất tạo việc làm, xuất khẩu lao động; đồng thời gắn với giải quyết việc làm thông qua lồng nghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với lao động và chính sách thực hiện công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề bức thiết, đòi hỏi phải tiến hành lâu dài và kiên trì. Trong quá trình thực hiện phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng mới mang lại kết quả như mong muốn./.
HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở GIỮA KỲ NĂM 2024 | |