Ở khu vực lòng chảo, Thanh Luông là một trong 4 địa phương đứng đầu về sản xuất cây vụ đông của huyện Điện Biên và là địa phương đi đầu trong việc mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ. Với trên 400 ha đất canh tác lúa 2 vụ, những năm gần đây, Thanh Luông luôn duy trì hàng chục ha diện tích đất trồng cây vụ đông các loại. Để tiếp tục đưa vụ đông trở thành một trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nhân dân, trong những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Luông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số, vòng quay của đất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Trong đó, tập trung vào những vùng đất có lợi thế, thích hợp cả cho trồng lúa và trồng màu để xây dựng thành những vùng sản xuất rau màu chuyên canh lớn. Với định hướng này, hàng năm Đảng uỷ xã đã chỉ đạo mỗi thôn, bản xây dựng một vùng chuyên canh rau màu tối thiểu từ 3 đến 5 ha.
Gia đình chị Quàng Thị Minh, là một trong hàng chục hộ gia đình ở Đội 6, xã Thanh Luông thực hiện khá hiệu quả việc thâm canh cây trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Chị cho biết, với 2.100 m2 đất canh tác, mỗi năm gia đình trồng 2 vụ lúa và một vụ mầu, thu nhập đạt 40 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả từ sản xuất vụ động mang lại, vụ đông năm nay, gia đình chị tiếp tục duy trì trồng 1.100 m2 cây dưa leo, 800 m2 cây bí xanh cao sản.
Có thể nói, trong những năm qua việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã Thanh Luông đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Và chính từ sự chuyển đổi này, một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được nông dân đưa vào sản xuất đại trà theo hình thức chuyên canh, như: dưa leo, súp lơ, cà chua và khoai tây đông... Hình thức sản xuất chuyên canh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, việc hình thành các vùng chuyên canh còn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trao đổi, học tập lẫn nhau về kỹ thuật canh tác, giúp tăng năng suất cây trồng.
Bằng phương thức chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với điều kiện của địa phương, nên diện tích trồng cây vụ đông trên địa bàn xã Thanh Luông đã không ngừng được mở rộng, hiệu quả kinh tế ngày một tăng cao. Nếu năm 2010, toàn xã chỉ trồng được 30 ha cây vụ đông, với giá trị đạt được khoảng 36 triệu đồng/ha, thì đến năm 2016 diện tích sản xuất vụ đông đã tăng lên 50 ha, giá trị sản xuất đạt 48 triệu đồng/ha. Vụ đông năm nay, Thanh Luông đã thực hiện trồng được trên 60 ha cây rau mầu vụ đông các loại, trong đó có 12 ha sản xuất cây ngô đông, 3 ha sản xuất cây khoai tây đông, và trên 45 ha trồng rau mầu, đậu đỗ các loại.
Có thể nói, từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm nên đến nay KT-XH của xã Thanh Luông đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp đạt 12%/năm, chăn nuôi tăng trưởng từ 5 - 6%/năm. Số hộ nghèo giảm hàng năm từ 4 - 5%. Đến nay, Thanh Luông chỉ còn 7,1% số hộ nghèo. Kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận người dân đã được cải thiện và nâng lên. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Diện mạo nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Thanh Luông tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm tới. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi mới, nâng cao gia trị sản xuất nông – lâm nghiệp, giúp nông dân yên tâm bám đồng, bám ruộng, vươn lên làm giàu ngay chính mảng đất quê hương./.
HỘI NGHỊ TIẾP XÚC CỬ TRI 2 CẤP TẠI XÃ HẸ MUÔNG | |