Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thành Đô – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các chuyên gia về phân tích năng lực cạnh tranh của VCCI và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
(Đ/c Bùi Xuân Trường – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy dự và chủ trì tại điểm cầu huyện Điện Biên)
Dự và chủ trì tại điểm cầu huyện Điện Biên có đồng chí Bùi Xuân Trường – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; cùng các đồng chí Thường trực HĐND huyện, Lãnh đạo UBND huyện, Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện, Lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn và một số đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Trong những năm qua công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm, triển khai thực hiện. Tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm; các cấp, cách ngành đã có sự vào cuộc tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,01% đứng thứ 2 trong 9 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc về tốc độ tăng trưởng. Thu ngân sách Nhà nước vượt 24,25% dự toán; các chương trình dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và khoải công dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện nhất là khu vực trung tâm TP. Điện Biên Phủ; thu hút đầu tư vào phát triển Doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự thu hút lớn với các nhà đầu tư và các Tập đoàn lớn trong nước; trong năm đã có 18 Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 6,400 tỷ đồng; 125 Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 2,200 tỷ đồng. Dự ước tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh tăng 8,81% so với cùng kỳ năm 2021. Xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3 trên 14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tại hội nghị, các chuyên gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã phân tích, đánh giá chuyên sâu PCI tỉnh Điện Biên năm 2021 và khuyến nghị giải pháp năm 2022; triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI của mốt số tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá cao những kết quả của tỉnh Điện Biên đã đạt được trong năm 2021, đồng thời đồng chí cũng thẳng thắng chỉ ra những mặt còn hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tiếp theo. Trong năm 2022, tỉnh Điện Biên quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI với mục tiêu vươn lên trong tốp 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI, trong đó: phấn đấu có ít nhất 3 chỉ số ưu tiên cải thiện mạnh mẽ, vượt bậc, vươn lên trong tốp 15 (tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự); 3 chỉ số trong tốp 30 (tính năng động; hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động); 4 chỉ số còn lại phấn đấu cải thiện điểm số và nâng hạng so với năm 2021.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan cần nhận thức rõ, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Tập trung bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 29/7/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm; quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm tối đa chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số. Các sở, ngành và địa phương quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thu hẹp khoảng cách giữa các cấp thực thi, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện ở cấp sở, ngành và cấp huyện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành được phân công chủ trì triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện bộ chỉ số PCI cần tiếp thu, phân tích cụ thể từng chỉ số, từng tiêu chí đánh giá; đề ra những giải pháp cụ thể, phân công tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm làm đầu mối để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở theo phân cấp quyền hạn và chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công khai, minh bạch dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin, thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận và xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua việc tổ chức gặp mặt định kỳ và các kênh tiếp nhận thông tin khác; thực hiện các cơ chế, chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19…
Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ký cam kết thực hiện phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững chỉ số PCI năm 2022.