Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc về những người có công đặt ra những vấn đề rất cơ bản, thể hiện tình cảm, tầm nhìn của Người, vừa tri ân những người có công, vừa tạo điều kiện để người có công tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết từ tháng 5-1965. Những năm tiếp theo cứ vào tháng 5, Người xem lại và viết bổ sung. Trong phần viết bổ sung tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng, Chính phủ và toàn dân phải đặc biệt quan tâm và có chính sách đúng đắn với người có công trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và gia đình họ thấm đượm truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam ta.
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã chăm lo ưu đãi người có công với tất cả sự quý trọng, biết ơn và khả năng có thể. Chính sách với người có công không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn tôn vinh, khen thưởng, ghi nhận công lao với những danh hiệu cao quý có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Chú trọng tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ về các nghĩa trang hoặc về quê hương. Tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích cách mạng, các tượng đài chiến thắng, nhà, bia, công trình tưởng niệm, để làm tốt công tác giáo dục truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, thực hiện chính sách với người có công có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội, đạo đức, đạo lý gắn liền với sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc.
Những chính sách về người có công của Ðảng và Nhà nước đã có những đổi mới, nhất là Pháp lệnh về người có công được thực hiện đã phát huy cao độ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", giáo dục sâu sắc lòng yêu nước, huy động các tầng lớp trong xã hội tham gia nhiều phong trào đền ơn, đáp nghĩa. Quỹ đền ơn đáp nghĩa ra đời khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh người có công năm 1994, đến nay số tiền do nhân dân đóng góp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với những chính sách của Nhà nước, Quỹ đền ơn đáp nghĩa góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người có công; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới. Nhiều phong trào có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tình cảm biết ơn vô hạn của đồng bào, chiến sĩ với thương binh như tặng sổ tiết kiệm, trở lại chiến trường xưa để tìm mộ liệt sĩ, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, xây đài tưởng niệm, tổ chức các buổi lễ cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã thu hút sự quan tâm của đồng bào, lực lượng vũ trang và góp phần giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho toàn dân.
Năm mươi năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc đãi ngộ người có công, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, chính sách đối với người có công có vai trò quan trọng trong dựng nước và giữ nước. Thực hiện tốt chính sách đó không chỉ là đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý nhân văn của dân tộc, mà còn có ý nghĩa, là "đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta" mà Bác Hồ đã viết trong Di chúc.
Hiện nay, Huyện Điện Biên hiện có 412 người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm 173 thương binh, bệnh binh, 90 thân nhân liệt sỹ, 1 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, 86 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học... Ngoài ra, còn có 3.319 người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, người tham gia bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Do vậy, việc chăm lo đời sống mọi mặt cho các đối tượng người có công được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan trong công tác giải quyết, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công và phát triển sâu rộng phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”. Phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo người có công với cách mạng trên địa bàn được duy trì thường xuyên; các cấp, các ngành, địa phương trong huyện chủ động thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình chính sách khi có việc hiếu, việc hỉ, ốm đau hay gặp khó khăn đột xuất; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 228 hộ gia đình có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 7.340 triệu đồng; Các đối tượng chính sách người có công trên địa bàn huyện đã nhận đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời các chế độ ưu đãi theo qui định, thường xuyên rà soát từ cơ sở, kịp thời nắm bắt mọi thông tin hướng dẫn thực hiện thủ tục, hồ sơ để chủ động điều chỉnh, chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng, không để xảy ra tình trạng kéo dài thời gian; các chế độ phụ cấp, trợ cấp hằng tháng đối với người có công luôn được đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những năm qua, Huyện đã phát động và thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Từ nguồn quỹ, Huyện đã chăm lo đời sống người có công, hỗ trợ các gia đình chính sách xây, sửa nhà; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Từ năm 2017 đến nay, huyện Điện Biên đã tổ chức xây 21 nhà Tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, tặng 55 sổ tiết kiệm trị giá 165 triệu đồng cho 55 đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Huyện huy động được trên 60 triệu đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa mỗi xã huy động được 8-10 triệu đồng, tạo thêm nguồn lực chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và đối tượng chính sách.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn, tri ân những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019) Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ bà Cà Thị Pâng mẹ Liệt sĩ Cà Văn Nhói bản Xôm, xã Pá Khoang và thương binh Lường Văn Nẹ bản Bánh, xã Mường Phăng với mức 75 triệu đồng/nhà;
Sau khi rời ghế nhà trường, chàng trai trẻ Lò Văn Phanh ở bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên xung phong nhập ngũ vào lực lượng QĐND Việt Nam. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chiến sĩ Lò Văn Phanh đã anh dũng hy sinh, để lại cha mẹ già và các em thơ dại. Ít lâu sau, người cha của anh cũng qua đời, chỉ còn mẹ già là bà Lò Thị Dọn sống nương tựa vào con cháu, cùng với nỗi đau buồn nhưng vô cùng tự hào về người con, Liệt sỹ Lò Văn Phanh. Ngôi nhà mà mẹ Lò Thị Dọn sinh sống, thờ phụng Liệt sỹ Lò Văn Phanh sau nhiều năm đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tâm nguyện của mẹ Lò Thị Dọn là mong muốn có một mái nhà nhỏ, là nơi thờ cúng cho con trai Liệt sỹ Lò Văn Phanh, để phần nào vơi bớt nỗi nhớ thương. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng huy động kinh phí hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa 80 triệu đồng/nhà và cùng với các đơn vị khác tổ chức giúp đỡ, để hai ngôi nhà nghĩa tình dành tặng mẹ Lò Thị Dọn thân nhân liệt sỹ Lò Văn Phanh và thương binh Lò Văn Phúc bản Na Vai, xã Pom Lót được xây dựng, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thực hiện "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Các đại biểu trong Lễ Khánh thành và trao tặng nhà tình nghĩa cho mẹ Liệt sĩ Lò Thị Dọn)
Ðể thiết thực chăm lo giúp đỡ người có công, gia đình chính sách, chúng ta cần tiếp tục có những việc làm hưởng ứng Chương trình hành động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chăm sóc người có công. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể, huy động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức kinh tế, xã hội... ủng hộ, giúp đỡ để cải thiện một bước đời sống người có công, sớm phấn đấu để không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo, 100% số hộ gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở khu dân cư. Làm tốt chương trình này còn có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác Hồ chăm sóc, đãi ngộ người có công và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân./.