• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Huyện Điện Biên: Triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2019
  • Thời gian đăng: 30/08/2019 11:17:46 AM
  • Trong những năm vừa qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung chủ yếu dựa trên các mô hình chăn nuôi, trồng trọt: trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gia cầm và chăn nuôi bò sinh sản… Đây là những mô hình dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả cao.

    Là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, với hầu hết dân số sống bằng nghề nông, lâm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, không lùi bước trước khó khăn, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Điện Biên đã chủ động phối hợp các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

    Thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 04/01/2019 của UBND huyện Điện Biên về việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2019; Từ tháng 5 năm 2019, Huyện đã triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã với mục tiêu xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương nhằm góp phần tạo thêm việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình sản xuất từ hộ gia đình đến kinh tế trang trại và liên kết hợp tác sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

    Tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, năm 2019, huyện Điện Biên  được giao thực hiện Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số vốn đầu tư là 4.815 triệu đồng. UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sử dụng nguồn vốn và UBND các xã quản lý, sử dụng nguồn vốn, tới nay đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 19 xã, số bò được hỗ trợ 333 con; 402 hộ được hưởng lợi từ dự án, trong đó có 319 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Dự án trồng cây sa nhân tím tại xã Pa Thơm, Na Ư với diện tích 2,46 ha, 32 hộ tham gia dự án đã được nhận cây giống và trồng từ đầu tháng 8/2019. Dự án hỗ trợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) diện tích 6,72 ha, 32 hộ thuộc 6 xã Thanh Xương, Noong Hẹt, Thanh Yên, Thanh An, Thanh Luông, Thanh Nưa tham gia dự án; Dự án nuôi vịt bầu quy mô 100 con, 1 hộ xã Thanh Chăn tham gia dự án. Dự án hỗ trợ trồng cam lòng vàng 9 hộ xã Mường Nhà tham gia trồng với diện tích 1,37 ha. 2 hộ xã Noong Luống    xã Thanh Hưng  tham gia Dự án hỗ trợ nuôi gà an toàn sinh học quy mô 90 con (mỗi hộ 45 con).

    Các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ giống bò, gia cầm, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, gia cầm, hỗ trợ tổ chức sản xuất. Đây được coi là mô hình mẫu về phát triển chăn nuôi bò sinh sản, gia cầm hướng thịt an toàn sinh học và tổ chức sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức; cung ứng giống vật tư; bố trí cán bộ đến trực tiếp tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; tiêu thụ sản phẩm; thu hồi, luân chuyển kinh phí hỗ trợ và kiểm tra, giám sát dự án. Đối với Dự án nuôi bò sinh sản, sau khi được bàn giao, các hộ có trách nhiệm chăm sóc bò trong thời gian 03 năm, khi bò mẹ sinh con bê đầu tiên sẽ được luân chuyển cho các hộ gia đình khác để nuôi. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy số bò giống sinh sản đều được chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật, tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai Dự án, song vẫn còn những  khó khăn, hạn chế đó là: Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn chung chung, chưa cụ thể; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc chưa kịp thời, đôi khi thiếu sự quan tâm; mới chỉ tập trung thực hiện các nguồn lực do cấp trên chuyển về, chưa đề ra được các biện pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ. Một số địa bàn quản lý và thực hiện Dự án chưa tốt, công tác giám sát thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Trong quá  trình triển khai thực hiện, một số Dự án chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp theo thời vụ cho các hộ, có những Dự án triển khai còn chậm. Mặt khác những hộ nghèo đa số có trình độ thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận, thực hiện các mô hình còn hạn chế..

    Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Thông qua Dự án nhằm tuyên truyền sâu rộng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, từng bước làm thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các hộ cần phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao vì mục tiêu thoát khỏi nghèo đói, vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế hộ gia đình.

    Qua đây, có thể thấy việc lựa chọn mô hình, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện địa phương, năng lực thực tiễn, sự quyết tâm của các cấp, ngành, và đặc biệt là có sự tiếp cận, vào cuộc thực sự của người nông dân sẽ mang lại hiệu quả cao trong các chương trình, dự án./.

  • Tác giả: Nguyễn Khải - Phòng LĐTB&XH huyện
  • 261-270 of 2073<  ...  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  ...  >