• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Huyện Điện Biên chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi
  • Thời gian đăng: 20/12/2016 08:44:21 AM
  • Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Điện Biên hiện có đàn trâu trên 24.000 con, đàn bò có trên 13.000 con, đàn lợn khoảng 70.000 con. Để đảm bảo công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, trước khi bước vào mùa đông năm nay, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống rét và dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm đến 25/25 xã. Theo đó, UBND các xã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò như: không được thả rông gia súc vào rừng; không sử dụng sức kéo của trâu, bò vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp; hướng dẫn bà con nông dân che chắn, sửa chữa hoặc làm mới chuồng trại chăn nuôi; tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn, trồng cỏ voi nhằm chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn; đặc biệt chú trọng kiểm tra các xã có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện gia súc ốm; thời tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt ngay không để dịch bệnh lây lan.

    Xã Nà Nhạn hiện có hơn 1.900 con trâu, bò, ngoài sản xuất nông nghiệp thì chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình trong xã. Để duy trì và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, không để dịch bệnh xảy ra, ngay từ đầu vụ đông năm nay xã Nà Nhạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đồng thời, chỉ đạo đôn đốc cán bộ thú y xã, chủ động phối hợp với cán bộ thú y thôn, bản trực tiếp hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của huyện. Cùng với đó, vận động các hộ chăn nuôi không được thả rông gia súc lên rừng mà phải chăn dắt gần nhà để phòng, tránh rủi ro. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động tích trữ rơm rạ, trồng cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp tăng thức ăn tinh cho gia súc.

    Gia đình ông Lường Văn Ủa, ở bản Nà Nhạn nuôi 6 con trâu và 4 con bò, cho biết: ngay sau khi thu hoạch vụ mùa 2015, gia đình ông đã chủ động tích trữ rơm, cỏ, thân, lá cây ngô để đảm bảo thức ăn cho trâu, bò khi xảy ra rét đậm, rét hại. Ngoài ra, gia đình còn thực hiện đầy đủ công tác tiêm phòng theo đúng định kỳ do cán bộ thú y hướng dẫn. Hiện đàn trâu bò của gia đình ông sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh không những giúp gia đình có thêm sức cày kéo trong sản xuất nông nghiệp mà còn giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi.

    Song song với việc tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, Trạm thú y huyện Điện Biên cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng chống các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... cho đàn gia súc. Hiện đã có trên 95% tổng đàn gia súc đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, Trạm thú y huyện còn tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

    Có thể thấy, chăn nuôi đã và đang là một thế mạnh của nhiều địa phương, từ chăn nuôi đã giúp không ít hộ nông dân vươn lên thoát được đói, giảm được nghèo. Tuy nhiên, để chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững thì ngoài sự chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi cũng cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống đói, rét; phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, có như vậy mới bảo đảm cho phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả và bền vững; đồng thời giúp tổng đàn gia súc của huyện được duy trì và phát triển ổn định./.

  • Tác giả: Phạm Thọ - Đài TT-TH huyện Điện Biên
  • 1-10 of 2017<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >