Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên: do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc – Đông Nam đi qua Bắc Bộ kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5.000m trên khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam nên tỉnh Điện Biên đã có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa có nơi lên đến 100mm, có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động đối phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết, triển khai các biện pháp phòng, chống lụt, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân do mưa, bão, úng lụt, sạt lở đất đá, lún sụt đất và các sự cố do thiên tai gây ra bà con nhân dân cần chủ động phòng, tránh lũ. Thường xuyên theo dõi theo dõi tình hình mưa lũ trên các phương tin thông tin đại chúng. Chuẩn bị lương thực, nước uống cho gia đình mình.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như: tả, lị, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Để phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa lũ, người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh cá nhân hàng ngày, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, người dân nên thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; đồng thời, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
(Phòng, chống thiên tai là quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội, điều này được quy định tại Luật phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013).