• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • KẾT QUẢ, KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU TRONG THỰC HIỆN DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN TẠI XÃ THANH HƯNG HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Thời gian đăng: 13/03/2019 04:12:15 PM
  • Dồn điền, đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún, tạo quy hoạch vùng sản xuất tập trung thuận lợi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, dồn điền, đổi thửa còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên đất, đáp ứng yêu cầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 về phát triển nông nghiệp. Xã Thanh Hưng là địa phương đi đầu của huyện trong thực hiện “dồn điền, đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.

    Huyen_TG.jpg

    (Công tác quy hoạch và làm lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng lớn).

    Là xã biên giới nằm phía Tây của huyện Điện Biên, Thanh Hưng có đường biên giới dài 2,81km giáp với cụm bản Phồn Sày huyện Mường Mày (Lào), Tổng diện tích tự nhiên: 2.045ha, có: 1.795 hộ = 6.796 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc chủ yếu Kinh 67,2%, Thái 36,54%. Hộ nghèo trong xã còn 88 hộ, chiếm tỷ lệ 4,90%. Xã Thanh Hưng, cũng như nhiều xã khác ở khu vực lòng chảo có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Là một trong hai xã của huyện Điện Biên được lựa chọn làm điểm thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa trong năm 2018. Trước đây, thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ruộng đất nông nghiệp của xã Thanh Hưng được giao khoán đến từng hộ gia đình và được chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần, có xa. Do vậy rất phân tán, manh mún, bình quân mỗi hộ có từ 4 đến 6 thửa, cá biệt ở một số thôn đội rộng đất được chia nhỏ, bình quân từ 5 đến 10 thửa/hộ. Diện tích bình quân từ 400 - 500m2/thửa, cá biệt có nơi diện tích chỉ từ 70 - 100m2/thửa. Ruộng đất manh mún đã không còn phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay vì không thể đầu tư thâm canh, không đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng, gây lãng phí nguồn công lao động.

    Năm 2018, xã thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa đối với diện tích đất nông nghiệp của 6 đội với 243 hộ. Ông Lường Văn Tọ - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để thực hiện nhất quán, Đảng ủy xã đã xây dựng chương trình hành động, HĐND xã ban hành Nghị quyết lãnh đạo chỉ đạo, UBND xã xây dựng phương án, lập quy hoạch, công bố quy hoạch, thành lập Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa; đồng thời tổ chức họp quán triệt, xây dựng các phương án dồn đổi thông qua các chi bộ và tuyên truyền công khai đến từng hộ dân. Khi đã có được sự đồng thuận từ trên xuống dưới, Ban chỉ đạo xã phối hợp với các đội tiến hành cho hộ gia đình bốc thăm, đo đạc, giao ruộng ngoài thực địa đảm bảo đúng diện tích, khuyến khích cha mẹ, con, anh chị em ruột quy tụ về một vùng tập trung, đồng thời tiến hành, tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng.

    Với phương châm quyết tâm, khẩn trương, kỹ lưỡng, đến tháng 10 năm 2018 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa với diện tích 42,5ha chủ yếu tại các đội 1,5,6,19,16. Sau dồn đổi, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 thửa để sản xuất, cùng với đó, xã đã triển khai quy hoạch lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng, phá hết các bờ vùng cũ để làm lại các bờ vùng lớn tại khu vực đội 5 và đội 6 của xã; riêng đối với những chân ruộng bằng phẳng, xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gần nhau phá bờ thành 1 thửa diện tích lớn canh tác chung. Cùng với đó, xã còn đầu tư làm mới hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng được 5km tuyến giao thông nội đồng. Theo đó, mỗi cánh đồng cứ 140 m có một tuyến thẳng tắp, rộng 5m. Hệ thống giao thông nội đồng ra đời, nông dân đua sắm máy cày. Hiện nay, xã đã chỉ đạo địa chính xã phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện toàn bộ số diện tích đã dồn để cấp, đổi giấy CNQSDĐ nông nghiệp cho các hộ trên. Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa của xã, nông dân đã tự nguyện đóng góp ngày công, kinh phí từ 2,5-3 triệu/hộ/1000m2 để làm bờ thửa đi lại. Huyện Điện Biên đã có chủ trương hỗ trợ xã về cải tạo đất với tổng kinh phí 600 triệu và huy động doanh nghiệp hỗ trợ san ủi, hạ độ cao mặt bằng cho các thửa ruộng cao.

    Cánh đồng sau khi đã được dồn điền, đổi thửa, nhân dân áp dụng phương pháp canh tác 3 giảm, 3 tăng vào sản xuất, tiết kiệm được chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, chăm sóc (lượng giống gieo trồng trước đây bình quân gieo sạ 8-10kg/1000m2, hiện giảm còn 4-5kg/1000m2), áp dụng khoa học, kỹ thuật đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tính đến năm 2018, 100% khâu làm đất và thu hoạch do máy móc đảm nhiệm, năng xuất lúa đạt 65 tạ/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,1%, thu nhập bình quân đầu người là 30,2 triệu/người/năm tăng 18,7 triệu/người/năm so năm 2015; đời sống vật chất, tinh thần người dân được tăng lên đáng kể. Năm 2018 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

    Từ những kết quả nêu trên, Đảng ủy xã đã họp và rút ra kinh nghiệm bước đầu trong thực hiện “Dồn điền, đổi thửa”:

    Một là: Công khai, bàn bạc dân chủ để đi đến việc xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả.

    Hai là: Đẩy mạnh, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương, lợi ích dồn điền, đổi thửa là điều quan trọng.

    Ba là: UBND xã phải xây dựng tốt phương án dồn điền, đổi thửa, thành lập BCĐ từ xã đến các thôn, bản với thành phần chủ yếu là những cán bộ, nhân dân có tâm huyết, am hiểu sâu về đất đai, khách quan, trung thực.

    Bốn là: Dồn điền, đổi thửa phải đi đôi với công tác quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

    Năm là: Sau khi dồn điền, đổi thửa phải nhanh chóng chỉnh lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất trên đất của mình.

    Sáu là: Có biện pháp huy động nguồn vốn dồn điền, đổi thửa bằng cách vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, huy động nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động, kinh phí để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng.

    Huyen_TG_2.jpg

    (Các đồng chí lãnh đạo xã Thanh Hưng thăm cánh đồng 42,5 ha

    được thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2018).

    Việc dồn điền đổi thửa tại xã Thanh Hưng bước đầu đã có những thuận lợi, được người dân ủng hộ. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 16/25 xã đạt chuẩn xã NTM, thời gian tới huyện Điện Biên sẽ tiếp tục nhân rộng và đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa ở những xã có điều kiện thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng xã và toàn huyện./.

  • Tác giả: Khánh Huyền - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
  • 101-110 of 2073<  ...  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  ...  >