(Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo huyện và đại biểu các Đoàn dự và thực hiện nghi thức đọc Chúc văn giỗ tướng quân Hoàng Công Chất)
Dự lễ Khai mạc Lễ hội có các đồng chí Lãnh đạo: Trần Quốc Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Giàng Thị Hoa - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Mừng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Mùa A Vảng - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông; Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Dự lễ khai mạc còn có Đoàn đại biểu huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng; đoàn đại biểu huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ - Nước CHDCND Lào; Đoàn đại biểu của Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hoà Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Bình… Đoàn đại biểu hậu duệ Cụ Hoàng Công Chất.
Về phía huyện Điện Biên có các đồng chí: Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Bùi Xuân Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Bùi Hải Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; cùng các đồng chí Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện, các địa phương.
(Đ/c Bùi Hải Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc Lễ hội)
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Bùi Hải Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên đã ôn lại lịch sử cuộc khởi nghĩa của Tướng quân Hoàng Công Chất cùng các tướng lĩnh; đồng thời đồng chí cho biết: Lễ hội Thành Bản Phủ không chỉ là hoạt động tín ngưỡng đặc sắc, với các nghi lễ văn hóa dân gian được gìn giữ lâu đời, mà còn là sự kiện nhằm tôn vinh, giới thiệu đến du khách thập phương về những nét văn hóa đặc sắc của 11 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện. Là dịp để Nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện giao lưu, học hỏi lẫn nhau; tiếp tục duy trì và phát huy tinh hoa văn hóa của các dân tộc. Qua tổ chức Lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc để chung tay xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.
(Đ/c Bùi Hải Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND đánh trống khai hội Thành Bản Phủ năm 2024)
Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, quê làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tinh Thái Bình. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra vào năm 1739 ở vùng Sơn Nam hạ.
Năm 1751 nghĩa quân Hoàng Công Chất từ Sơn Nam (Thái Bình) tiến dần lên Hưng Hóa (khu Tây Bắc ngày nay). Tại đây, Hoàng Công Chất đã cùng Tướng Ngải, Tướng Khanh là hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đánh tan giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh (Điện Biên) vào năm 1754.
Năm 1981, di tích Thành Bản Phủ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 10/QĐ -VHTT, ngày 9 tháng 02 năm 1981 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Lễ hội thành Bản Phủ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định 1877/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được tổ chức thường niên vào ngày 24-25/02 âm lịch hàng năm, Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2024 là hoạt động nhằm kỷ niệm 270 năm Ngày chiến thắng của nghĩa quân Hoàng Công Chất, giải phóng Mường Thanh (1754 - 2024) và 255 năm ngày mất của Tướng quân Hoàng Công Chất (1769 - 2024). Lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất cùng hai vị tướng lĩnh dân tộc Thái Tướng Ngải, Tướng Khanh với những công lao to lớn trong việc xây dựng bảo vệ Miền biên cương của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân các dân tộc trên mành đất Mường Thanh huyền thoại; là hoạt động nhằm phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống "Uống nước nhớ nguôn", khơi dậy ý thức tự lực tự cường và tính sáng tạo trong lao động sản xuất; bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Đất nước.
Lễ hội Thành Bản Phủ gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu, múa rồng, đọc chúc văn tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất cùng các tướng lĩnh, dâng hương và nghi thức Tế lễ.
(Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội thành Bản Phủ năm 2024)
(Màn múa rồng tại Lễ hội thành Bản Phủ năm 2024)
(Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, cùng các đại biểu và Nhân dân dâng hương tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất và Tướng Ngải, Tướng Khanh cùng nhân dân các dân tộc Mường Thanh chiến đấu anh dũng đánh tan giặc Phẻ, bảo vệ bản mường, biên cương)
(Nghi thức tế lễ tưởng nhớ công ơn Tướng quân Hoàng Công Chất)
Tại Lễ hội Thành Bản Phủ năm nay có thêm điểm mới là màn trình diễn sử thi "Uy nghi Thành Bản Phủ". Màn biểu diễn sử thi gồm 3 chương: Huyền sử Điện Biên; Uy nghi Thành Bản Phủ và Viết tiếp trang sử hào hùng. Nội dung sử thi nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
(Màn sử thi "Uy nghi Thành Bản Phủ")
Được tổ chức song hành cùng Lễ hội Thành Bản Phủ là Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024. Lễ hội, Ngày hội được tổ chức từ ngày 01/4 đến ngày 03/4/2024 với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, trải nghiệm các trò chơi dân gian, không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện Điện Biên.
(Một số tiết mục của các Đoàn nghệ thuật quần chúng tham dự tại Ngày hội)
Trong khuôn khổ các chương trình, Nhân dân và du khách được tham quan, trải nghiệm các hoạt động, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc, múa xòe, sạp cộng đồng, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian; trưng bày, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; ẩm thực dân tộc, các sản phẩm nông nghiệp, OCOP của địa phương; các vật dụng gắn với đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
(Một số môn thể thao được tổ chức tại Lễ hội - Ngày hội)
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024 với sự tham gia tranh tài của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 21 xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Đặc biệt, tại ngày hội năm nay, huyện Điện Biên vinh dự đón tiếp 26 đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng sự tham gia, biểu diễn của hơn 80 nghệ nhân, diễn viên đến từ các đội văn nghệ các tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ…
Lễ hội Thành Bản Phủ - Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024 là dịp để tôn vinh, giới thiệu đến các du khách thập phương về những nét văn hóa đặc sắc của 11 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện Điện Biên và đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Nhân dịp này, nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, các sản phẩm truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của huyện đến du khách trong nước và quốc tế.
TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CƠ SỞ | |