• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).
  • Thời gian đăng: 17/07/2020 09:58:02 AM
  • Không có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam gọi Tổ quốc, quốc gia bằng hai tiếng bình dị và thiêng liêng ĐẤT NƯỚC. Trong tâm linh người Việt Nam luôn xem người có công với Nước, với Dân dù đã khuất nhưng vẫn tồn tại, luôn hiện hữu trong chiều sâu tâm thức nhớ về ông bà, Tổ tiên và các anh hùng, liệt sĩ. Thật đúng với sự khẳng định “Sự vong như sự tồn, sự tử như sự sinh”. Trong ĐẤT, trong NƯỚC của quê hương hôm nay vẫn hiển hiện hình bóng các anh hùng liệt sĩ. Có chiến công vinh quang nào không phải đánh đổi bằng máu xương, hy sinh mất mát. Cuộc đời các anh hùng, liệt sĩ luôn là tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống; hàng triệu người đã hy sinh một phần thân thể “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ và anh dũng là ca khúc bi tráng vang mãi đến muôn đời sau. Ngọn cờ chiến thắng đã tung bay trên bầu trời hòa bình, để đất nước bước sang trang mới độc lập, tự do và phát triển, sánh vai các dân tộc năm châu.

    Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn nhớ tới Thương binh- Liệt sĩ và giành nhiều tình cảm,  quan tâm đến gia đình của họ. Tháng 6-1947 Người đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa đối với các Thương binh- Liệt sĩ . Trong hội nghị trù bị tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ đã chọn ngày 27- 7 hàng năm làm ngày Thương binh- Liệt sĩ . Người kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Người nói: “Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, thương mến thương binh”.

       Kế thừa truyền thống bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kinh yêu, với tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, quân và dân cả nước đã kề vai sát cánh bên nhau chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân năm 1975 và bảo vệ biên giới của Tổ quốc, non sông Việt Nam thống nhất, nước nhà hoàn toàn độc lập đi lên xây dựng CNXH. Có được thắng lợi to lớn ấy, hàng triệu chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh dưới mưa bom bảo đạn của kẻ thù, hàng triệu người khác bị thương tật do để lại một phần thân thể nơi chiến trường hoặc đang phải gánh chịu những di họa của chiến tranh.

    Bác Hồ đã nói: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ, tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh”. “Có cờ độc lập nào mà không tô thắm bằng máu đào liệt sĩ. Có đài tự do nào mà không được xây dựng bằng xương trắng anh hùng”. Chúng ta thành kính chia sẻ nỗi đau cùng các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi biết ơn những người mẹ, người cha, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình. Và Bác đã căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

    lua-chon-qua-tang-y-nghia-cho-ngay-thuong-binh-liet-si-27-7-1.jpg

    73 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh.Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 16 tháng 2 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên xem xét, bổ sung và ngày càng hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng. Chính sách đó đã được chế định thành pháp luật, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; năm 1994 Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh qui định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi đối với người có công ngày càng hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hoá được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Việc ban hành và thực hiện các chính sách đó thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc. Sự cố gắng đó càng có ý nghĩa chính trị- xã hội sâu sắc trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn.Đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi tăng đã đảm bảo sự công bằng và đồng thuận của xã hội.

    Để đền đáp công ơn to lớn đó, kế tục và phát huy đạo lý " Uống nước nhớ nguồn" của ông cha ta, trong những năm qua cùng cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Điện Biên đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng và người có công với cách mạng. Với sự nổ lực của mình, trong năm qua ngành Lao động – thương binh và xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp  giải quyết chính sách cho gần 5.000 người dân có công với cách mạng được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương. Về chế độ trợ cấp hàng tháng thông qua phòng Lao động – Thương binh và xã hội chi trả cho 371 đối tượng.   Ngoài việc thực hiện các chính sách cho đối tượng theo qui định, hàng năm vào các dịp lễ tết, huyện còn vận động tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách gần 1 tỷ đồng.

    Là một huyện tuy kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, bằng tình cảm và trách nhiệm đã thường xuyên làm tốt phong trào tình nghĩa ở khắp các địa phương trong huyện, với nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái như: lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi… đây là những việc làm thường xuyên của toàn xã hội. Đặc biệt, mấy năm gần đây, từ việc tổ chức qui tập hài cốt liệt sĩ đến việc đi tìm đồng đội, tu bổ, xây dựng lại Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tượng niệm anh hùng Liệt sĩ được các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù nhiều đơn vị, nhiều gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi UBMT Tổ quốc, chính quyền phát động xây dựng Quỹ là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ đó là những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn và đầy cảm động. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn huyện đã vận động được trên 800 triệu đồng, trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện đạt gần 400 triệu đồng. Từ số tiền này, hàng năm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Huyện đã hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa...Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc, đi sâu vào tâm khảm của mỗi người dân. Những hoạt động tích cực ấy đã tạo điều kiện cho các hộ chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay, 95% xã làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; hơn 96% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên.

    Cùng với việc làm đó, chúng ta hết sức trân trọng và cảm động trước những cố gắng to lớn của đông đảo các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong huyện, đã tự mình vượt lên trên mọi đau thương, mất mát khắc phục khó khăn nhiều mặt, tận tâm tận lực cống hiến phần sức lực còn lại cho công cuộc đổi mới đất nước, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống của “Anh bộ đội cụ Hồ” để xây dựng cuộc sống mới cho bản thân và gia đình, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều đồng chí đã nỗ lực vươn lên hăng hái tham gia Lao động sản xuất và sản xuất giỏi, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, không những tìm được việc làm cho gia đình mình mà còn giải quyết được nhiều lao động ở địa phương, nhiều tấm gương tiêu biểu mẫu mực cho chúng ta học tập và noi theo.

    Tất cả những việc làm ấy thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta. Sự hy sinh xương máu của Thương binh- Liệt sĩ đã góp phần làm cho Tổ quốc ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do” như nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng ngợi ca:

                                     Mỗi mảnh đất dưới chân người ngã xuống

                                     Nở rộ những bông hoa thơm ngát tình đời.

    Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công; huy động sự tham tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân; đẩy mạnh xã hội hoá công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng”. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tích cực trong học tập, công tác, trong lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.  Cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thôn bản cần thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Nêu gương những thương, bệnh binh vượt khó vươn lên trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Chú trọng phát huy dân chủ, công khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công. Gắn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

    Công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công với cách mạng có vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước; vì đối tượng của công tác này là nhữmg người đã hy sinh cả cuộc sống của mình cho Tổ quốc, bản thân họ, gia đình họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng của toàn dân ta và non sông đất nước ta. Chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và nhân dân. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh như  Bác Hồ cũng đã từng xúc động nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.

  • Tác giả: Nguyễn Quang Khải - Phòng Lao động TB&XH huyện
  • GIẢI BÓNG ĐÁ THANH NIÊN HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2023
    GIẢI CẦU LÔNG KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁC CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH THAM MƯU, GIÚP VIỆC HUYỆN ỦY
    1671-1680 of 2105<  ...  163  164  165  166  167  168  169  170  171  172  ...  >