Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.
Dân tộc Thái là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, có dân số 1.820.950 người (Xếp hàng thứ ba, sau dân tộc Kinh và dân tộc Tày – theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4 2019). Dân tộc Thái có chữ viết riêng khá lâu đời; họ sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ lợi và có trình độ canh tác khá phát triển, được đúc kế như một thành ngữ - "Mương, phai, lái, lịn" (Khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang 2 vụ lúa tẻ. Họ còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải.
Dân tộc Thái được chia thành hai ngành Thái Đen và Thái Trắng. Việc phân chia này không phải là phân chia theo màu da như phân chia giữa người Da Đen và người Da Trắng mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Người Thái Đen và người Thái Trắng có màu da tương tự nhau. Đến nay, việc phân chia ra hai ngành vẫn chưa thật sự thống nhất theo một nhận định chính xác. Việc phân chia này mỗi lần, mỗi nhà nghiên cứu lại phát hiện thêm những chi tiết khá thú vị, như: phân chia theo trang phục; phân chia theo tín ngưỡng; phân chia theo phong tục khi con gái đi lấy chồng: con gái Thái Đen thì tẳng cẩu, con gái Người Thái Trắng không tẳng cẩu; ...
Ở tỉnh Điện Biên, người Thái chiếm khoảng 38,4% dân số toàn tỉnh, có cả hai ngành Thái Đen và Thái Trắng cùng định cư. Người Thái Trắng định cư chủ yếu dọc theo dòng sông Nặm Te (sông Đà), các nhánh nhỏ đầu nguồn của sông Nặm Te. Thuộc phía Bắc, và một phần phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên (từ huyện Mường Nhé xuôi theo sông Đà xuống huyện Tủa Chùa); còn Người Thái Đen định cư trên địa bàn phân bố rộng hơn, chủ yếu ở các thung lũng (cánh đồng) rộng lớn, và các thung lũng nhỏ phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Điển hình như: cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ), cánh đồng Mường Quài (huyện Tuần Giáo), cánh đồng Mường Ảng (huyện Mường Ảng).
Mường Thanh là cánh đồng (thung lũng) lớn nhất tỉnh Điện Biên, là một trong những cánh đồng nhất Tây Bắc, dân gian thường nói: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Tên “Mường Thanh” ra đời từ khi nào đến nay vẫn chưa thực sự thống nhất. Theo nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Mường Thanh (có người phát âm là “Mường Theng”, trong tiếng Thái Đen không phân biệt thật sự rõ ràng về âm tiết “Thanh” và “Theng”). Mường Thanh là tên gọi chung của cả hai tộc người, người Thái Đen và người Lào; lại có nhà nghiên cứu cho rằng Mường Thanh là tên nói lái đi của “Mường Then”. Ở đó tồn tại “cuộc sống” của thế giới thần linh, linh hồn – Đẳm. Theo thế giới quan của người Thái, ở trên Mường Then không có mùa nóng, không có mùa lạnh, quanh năm ấm áp. Không làm cũng có ăn, muốn ăn cá cá khắc tự đến, muốn ăn thịt thịt khắc tự đến, người nghèo nhất cũng có voi cưỡi, người xấu nhất cũng lấy được vợ được chồng, không chải đầu tóc khắc tự vấn cao thành Tẳng cẩu…vv. Vì dân gian cổ xưa nhận thấy vùng đất này làm ăn dễ dàng: cá tôm đầy sông suối, thóc gạo đầy đồng, chim thú đầy rừng, rau măng đầy núi…vv. Nên dân gian đặt tên cho vùng đất này là “Mường Then”. Vì vùng đất này có cuộc sống an nhàn, sung sướng, giầu có như “Mường Then” ở trên trời vậy. Ngày nay của vùng đất này được thống nhất gọi là “Mường Thanh”.
Cư dân ở Mường Thanh trước đây chủ yếu là người Thái Đen. Người Thái Đen có tín ngưỡng thờ cúng đa thần: thờ cúng linh hồn tổ tiên; thờ cúng linh hồn các vật dụng; thờ cúng thần sông suối, cỏ cây, rừng núi, thờ cúng các vị thần trên trời cao; thờ cúng hồn vía của con người…vv. Có các Lễ hội liên quan đến nông nghiệp: Lễ hội cúng bản; Lễ cúng mường; Lễ hội ăn cơm mới; và Lễ hội Cầu mưa.
Tại huyện Điện Biên dân tộc Thái chiếm 49,00% tổng dân số của huyện, là 01 trong 11 dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Điện Biên. Trong những năm qua, huyện Điện Biên luôn quan tâm phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện như: Tết té nước dân tộc Lào; Tế hoa, lễ hội Hoa mà gà dân tộc Cống; Lễ mừng cơm mới dân tộc Tày; Lễ cúng bản dân tộc Thái; ...vv.
Nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Ngày 24/4, tại bản Liếng, xã Noong Luống (huyện Điện Biên), UBND huyện Điện Biên đã tổ chức tái hiện Lễ hội cầu mưa dân tộc Thái (ngành Thái đen).
Lễ hội cầu mưa thường được tổ chức trong nội bộ một bản làng của người Thái đen, vào khoảng tháng 4 dương lịch - tháng 3 âm lịch – tháng 10 lịch Thái. Đây là khoảng thời gian khí hậu vùng Mường Thanh nắng nóng, khô hạn bởi gió Lào thổi về. Khoảng thời gian này người dân còn khá nhàn rỗi, vì vụ lúa mới chưa đến thời kỳ cày bừa, vụ lúa cũ đã xong từ tháng 11/12 dương lịch của năm cũ. Người Thái thường tổ chức các lễ hội vào mùa này, vì đây là thời điểm thích hợp nhất cho các hoạt động mang tính lễ hội, như: lễ hội xên bản, lễ hội xên mường, lễ hội xên pang, lễ hội cầu mưa...
Người Thái quan niệm rằng: trời hạn hán là do Thần mưa nghe theo sự thỉnh cầu, niềm mong muốn của hai đối tượng:
Một là: Con gà bị trụi lông cánh, lông đuôi. Con gà trụi lông không muốn trời mưa xuống, vì nếu mưa xuống nó sẽ bị ướt và rét mướt, có thể bị ốm chết. Nên nó luôn cầu xin Thần mưa đừng bao giờ cho mưa xuống. Trong bài cầu mưa có câu: “Nha phăng quam cáy cỏm/ Cáy cỏm bư mi hàng” – “Đừng nghe gà trụi lông/ Gà trụi lông không có đuôi”.
Hai là: Người phụ nữ bị chửa hoang (có con ngoài giá thú) đang nuôi con nhỏ. Người chửa hoang không lấy được chồng, trong nhà không có bàn tay của đàn ông, nên không làm được nhà vững trãi, chỉ ở trong mái nhà nhỏ bé, dột nát. Hễ có mưa to, gió lớn lại lo sợ nhà bị đổ. Nhà không bị đổ cũng phải chịu cảnh chăn đệm ướt, không có chỗ ngủ, củi đóm bếp lửa bị ướt, không có chỗ nấu cơm, quần áo ướt không có cái mặc. Người chửa hoang thương cho số phận khổ sở của mình một thì càng thương cho số phận con nhỏ không có bố gấp trăm, gấp ngìn lần. Nên lúc nào cũng cầu mong đất trời khô ráo. Khiến cho trờ hạn hán. Trong bài cầu mưa có câu: “Đừng nghe gái chửa hoang/Con của gái chửa hoang không có bố/ Một bố ngồi khung cửi/ Một bố ngồi dựa cột sàn phơi/ Một bố lượn lờ dưới sân nhà”.
Cho nên năm nào cũng phải cầu mưa, nhắc nhở đấng Thần linh đừng nghe lời hai đối tượng trên. Hãy ban mưa xuống cho con cháu có nước đầy đồng, đầy sông suối, ao hồ. Để con cháu có nước canh tác (làm ruộng) vụ mùa tới (trước kia người Thái chỉ làm ruộng một vụ vào mùa mưa, hay còn gọi là “vụ mùa”, chứ không làm vụ chiêm xuân như ngày nay), có cá tôm đầy ao hồ sông suối, có cây cỏ tốt tươi trâu bò ăn thoải mái, măng nấm đầy rừng, rau quả đầy vườn...vv.
(Đoàn đi xin nước)
Nghi lễ đầu tiên trong Lễ cầu mưa là Đoàn người thuộc đội lễ (Đoàn xin nước) đi xin nước, đến từng nhà đã được lựa chọn làm “Chủ mưa – Chảu phồn” đển xin nước. Người dẫn đầu “Me tổn pụt” là một người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, đeo Ếp bên hông; phía sau là các chị em phụ nữ, mặc trang phục truyền thống: đầu đội khăn piêu, mặc áo cóm, váy, đeo dây xà tích, đeo ếp hoặc túi thổ cẩm bên hông. Nối sau các chị em phụ nữ là cánh đàn ôngmặc áo chàm truyền thống, mặc quần màu đen, đầu cuốn vải chàm đen mỏ rìu (hoặc không, sợ có người kiêng), chân đi giày (hoặc dép có quai hậu), đeo sọt bên hông.
(Đoàn xin nước xin nước nhà “Chủ mưa – Chảu phồn”)
Khi đến nhà “Chủ mưa – Chảu phồn”, người dẫn đầu “Me tổn pụt” và đoàn xin nướcđứng dưới chân cầu thang, xướng lên bài cầu mưa:
“Dú hươn báu dú lê chảu hươn ơi?
Chảu phạ ơi chảu phồn ơi!
Côn mương tảư mương lum ý liêng
Côn mương piêng chuông càng phà pẻn
Liệp huổi nặm ma hà
Kếp phắc na ma nỉ
Táy tang luồng tang piêng ma bản
Táy pá quảng phiềng pẹt ma hươn
Chảu bản ơi dú hươn báu dú lê?
Thả nặm phạ lông báu lông
Thả nặm phồn tốc báu tốc
Phù ma sò nặm phồn háy cả
Phù ma sò nặm phạ háy na
Háy na háy tà cả
Háy cả háy li lò
Khảu dú hay tài phòi
Hòi dú na tài lạnh
Pảnh dú sá hôm quân
Măn dú khùm tài ảu
Xào thảu tài dák pà
Báo na tài dák niểu dák niếng
Ngua quai tài dák nhả
Ải báo cạ tài dák càng tang
Tài hót nẳng pá khèm
Tài hem nẳng pá lụ
Phạ đét lạnh cong hảư phồn báu phồn
Hắp tù đét mương bồn hảư é
Khày tù phồn mương phạ hảư é
Phù ma nỉ sò phồn
Xò tênh phắc chi chạng
Xò tênh phắc sảng quai
Báu đảy phù báu nhá
Báu đảy phù báu la
Nha phăng quam cáy cỏm
Cáy cỏm báu mi hàng
Nha phăng xào man tang
Xào man tang báu mi ải
Ải nưng năng sàu ký
Ải nưng khí sàu chan
Ải nưng siểu càng khuống
Xò đé khỏi xò đé
Xò mịt phồn to nuối mák ngoa
Xò há phồn to nga mák muổi
Chụ huổi nặm chụ nong
Chụ đòn hìn đòn sai chụ lựp
Pà dú nặm cong hà
Pà dú nòng na phặt sáy
Báu đảy phù báu nhá
Báu đảy phù báu la
Xíp ết po tay pày cạ
Xíp hả po tay dú hươn non hươn
Hắp tù đét mương bồn hảư é
Khày tù phồn mương phạ hảư é
Mựt ma săng áng hỏm
Cọm ma săng áng nin
Phồn ma dơ sắc sải ma dơ!
Dịch ra tiếng phổ thông:
Có ở nhà hay không ở nhà đấy chủ nhà ơi?
Bà chủ trời, bà chủ mưa ơi
Người ở mường dưới mường trần bát ngát
Người ở mường đất bằng giới giữa
Dọc theo suối đến đây
Hái rau ruộng về đây
Đi đường bằng đường to về bản
Men theo rừng rộng bãi cỏ về nhà
Chủ bản có ở nhà không?
Chờ nước trời xuống không xuống
Chờ nước mưa rơi xuống không rơi.
Chúng tôi đến xin nước mưa gieo mạ
Xin nước trời làm ruộng làm đồng
Làm ruộng lúa ruộng mạ
Làm nương lúa nương ngô.
Lúa trên nương chết rụi
Ốc ở ruộng chết hạn cả rồi
Men rượu trên gác bếp bức mùi khói
Củ mài trong hố trong hốc, nóng bức ngột ngạt
Gái già sắp chết vì thèm ăn cá
Trai làm ruộng sắp chết vì thèm ăn con niềng niễng
Bò trâu sắp chết do thiếu cỏ
Anh chàng đi buôn bị chết đói ở dọc đường
Chết đói trong rừng chít
Chết khát trong rừng bứa
Trời nắng hạn mong cho mưa không mưa.
Đóng cửa nắng nơi cao xanh cho chúng tôi nhé
Mở cửa mưa nơi mường trời cho chúng tôi nhé!
Chúng tôi đến đây để xin nước mưa
Xin cả rau cần rau cải
Xin cả rau cho lợn cho trâu
Không được chúng tôi không đi
Không được chúng tôi không rời
Đừng nghe lời con gà cộc đuôi
Gà cộc không có đuôi
Đừng nghe lời gái chửa hoang
Gái chửa hoang không chắc cha em bé
Một cha ngồi ở cột khung cửi
Một cha ngồi ở cột sàn phơi
Một cha lượn lờ ở sân.
Xin nhé tôi xin nhé!
Xin hạt mưa to bằng quả vả
Xin cơn mưa nhiều như cành quả gấm
Để mọi con suối đều lũ
Mọi doi cát doi đất đều có nước ngập
Cá trong nước đang mong mưa
Cá ở ruộng ở ao đang sắp đẻ
Không được chúng tôi không nghe
Không được chúng tôi không rời
Mười một người đàn ông đi buôn
Mười lăm người đàn ông đang ngồi ở nhà nằm ở nhà
Hãy đóng cửa nắng mường cao xanh đi nhé
Mở cửa mưa mường trời ra nhé
Tối sầm về như chậu nước chàm
Tối đen về như chậu nước nhuộm
Mưa to đến nào mưa té tát đến nào!
Sau đó nhà “Chủ mưa – Chảu phồn” sẽ trao cho người dẫn đầu bát gạo, gói muối, bó rau. Người dẫn đầu đổ bát gạo vào ếp của mình.
“Chủ mưa – Chảu phồn” cho vật phẩm
Tiếp đó, “Chủ mưa – Chảu phồn” sẽ đứng ở trên sàn nhà, té nước xuống Đoàn xin nước (với ý nghĩa ban cho nước mưa). Những nam giới trong đoàn giơ những cái sọt lên cao hơn đầu một chút để đựng những hạt mưa. Tất cả các thành viên vừa đón nhận cơn mưa nhân tạo vừa cùng nhau hô to:
“Phồn! phồn!
Phồn há lếch há tong...tong.
Cong hửa ưởn nha ưởn!”
Dịch nghĩa:
“Mưa! Mưa!
Mưa cơn sắt cơn đồng...đồng
Mong cho tạnh đừng tạnh”
Đoàn xin nước xẽ đến khoảng 5 nhà và thực hiện các nghi lễ như trên.
Các vật phẩm Đoàn cầu mưa đã xin tại các nhà “Chủ mưa – Chảu phồn”: gạo, muối, rau xanh sẽ được chế biến thành các món ăn để cả dân bản cùng được thụ lộc, với ý nghĩa của bản đã xin được mưa.
Sau nghi lễ đi xin nước, Đoàn xin nước sẽ quay trở lại địa điểm được lựa chọn để làm lễ cúng trước đó, xuống ao, hồ tắm và té nước vào nhau.
Tại thời điểm này, các thành viên trong bản sẽ chuẩn bị mâm lễ cúng đặt ở cạnh bờ ao (hoặc hồ) để Ông mo - thầy cúng thực hiện lễ cúng các thần linh.
Vật lễ cúng gốm có:
+ Một con lợn màu đen
+ Một con gà trống
+ Ba con cá nướng
+ Hai quả trứng gà luộc chín
+ Hai bát nước canh (nước luộc thịt lợn)
+ Xôi trắng
+ Rượu trắng
+ Hương, nến
+ Đĩa trầu, cau, vôi, vỏ cây tray
+ Một nải chuối chín
+ Ba khúc mía
+ Hoa quả, kẹo bánh, nước ngọt đóng chai
+ Thuốc lá, thuốc lào, chè
+ Bốn sải vải trắng, bốn sải vải thổ cẩm
+ 500.000đ (năm trăm ngìn đồng) tiền giấy
+ Một vòng tay bạc
+ Một bó tỏi, một nhúm quả ớt khô, một gói muối
+ Một bát thóc, một bát gạo
+ Ba bông hoa màu đỏ
(Ông mo - thầy cúng thực hiện lễ cúng các thần linh)
Sau khi mâm lễ chuẩn bị xong, Ông mo - thầy cúng thực hiện lễ cúng các thần linh. Nội dung bài cúng gồm những câu nói có vần điệu với nội dung báo cáo về tình trạng hạn hán của bản mường; con cháu tổ chức xin mưa với các đấng thần linh; sắm lễ vật dâng lên các thần linh; mời các thần linh đến thụ hưởng; cầu khấn các thần linh ban mưa cho bản mường; phù hộ độ trì cho con cháu an lành, mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi nảy nở…
Sau phần lễ là phần hội, người dân trong bản tổ chức hát, múa, chơi cá trò chơi dân gian, cùng nhau nắm tay trong điệu xòe tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong lễ cầu mưa.
Việc tái hiện Lễ hội cầu mưa ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ biết yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tạo nên buổi sinh hoạt văn hóa ẩm thực, sinh hoạt văn nghệ truyền thống của dân tộc Thái, như: hát đối đáp giao duyên, hát chúc mừng nhau, hát nhớ ơn Đảng, nhớ ơn Bác Hồ; nhớ ơn công lao các anh hùng thương binh liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, đem lại hòa bình ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Còn là nơi để nhân dân giao lưu học hỏi lẫn nhau trong cộng đồng về lao động sản xuất, ứng dụng khoa học vào chăn nuôi trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình; nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi, chịu khó lao động giúp đỡ cha mẹ; xây dựng tình đoàn kết tốt trong cộng đồng. Quảng bá một nét sinh hoạt về lễ hội truyền thống của đồng bào Thái đến với các cộng đồng dân tộc khác trên địa bàn huyện Điện Biên nói riêng, các dân tộc trên tỉnh Điện Biên nói chung.
GIẢI BÓNG CHUYỀN CÔNG - NÔNG - BINH HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2018 | |
GIAO LƯU VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG 73 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2018) | |