Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chỉ có mảnh đất nương đã bạc màu mà cha ông để lại, nhưng với quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ông Quàng Văn Tài ở bản Nà Ngám 3, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện và được đề nghị tặng bằng khen của UBND tỉnh.
Anh Quàng Văn Tài sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nà Ngám, xã Nà Tấu (nay là xã Nà Nhạn) huyện Điện Biên với đặc thù là vùng đất có nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Những năm trước đây cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, vất vả vì diện tích cấy lúa của gia đình chỉ có vẻn vẹn 3000m2, mỗi năm cho thu hoạch từ 3 đến 4 tấn lương thực; ngoài sản xuất nông nghiệp gia đình anh không có thu nhập nào khác. Số gạo làm ra chỉ đủ cho gia đình không phải chịu cảnh thiếu đói, không phải chờ đợi gạo cứu đói lúc giáp hạt của Nhà nước; nhưng cái nghèo thì liên tục theo đuổi, bám riết hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Đến độ, con anh tết mới được uống một hộp sữa tươi, mà nó giữ lại mãi cái vỏ hộp để đổ nước trắng vào uống mỗi khi thèm. Từ những khó khăn và đói nghèo ấy, anh Quàng Văn Tài đã trăn trở suy nghĩ rất nhiều, làm thế nào để giảm được nghèo, thoát nghèo và từng bước tiến lên làm giầu ngay trên mảnh đất quê hương mình sinh sống? Khát khao thoát nghèo cứ nhen nhóm rồi cháy bỏng trong tâm trí anh. Anh nghĩ mình phải thay đổi thì cuộc sống của bản thân và gia đình mới thay đổi được. Đầu tiên, anh Tài tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách như trồng rau, nuôi cá, trồng cây ăn quả ở gần nhà nhưng cuộc sống của gia đình anh cũng chỉ bớt khó khăn chứ không thể làm giàu được. Vì chăn nuôi cũng lúc được, lúc mất, trông rau cũng khi được khi không. Điều này đã khiến anh suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, trong anh lúc nào cũng luẩn quẩn một câu hỏi “Tại sao người ta lại giầu có, người ta làm kinh tế như thế nào?”.
Biết được tâm tư, nguyện vọng của anh Quàng Văn Tài, cán bộ của ban quản lý rừng phòng hộ của huyện Điện Biên và các lãnh đạo của UBND xã không ngần ngại tư vấn cho anh cách trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc. Anh Tài đã quyết định lấy phần đất đã bỏ hoang của gia đình từ trước để trồng rừng và để phát triển kinh tế trang trại.
Bước đầu anh Tài đã gặp rất nhiều khó khăn vì gia đình anh chỉ có sức lao động, không có vốn cũng không có kinh nghiệm sản xuất. Nhưng với quyết tâm làm giàu, anh đã không chịu lùi bước. Năm 2010, anh Quàng Văn Tài đã mạnh dạn đăng ký trồng rừng sản xuất với 5,4 ha cây sổi, mỡ có hỗ trợ gạo, đến nay rừng trồng của gia đình anh đang trong giai đoạn khép tán, phát triển rất tốt. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng và Nhà nước, gia đình anh Tài còn mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng nông nghiệp 60.000.000 đồng, cộng với vốn của gia đình và vay mượn bạn bè, anh Tài đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để làm trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm các loại, trồng thêm cây ăn quả xen vụ. Hiện nay trang trại của gia đình anh đã có tổng diện tích là 3 ha.
Trên con đường thoát nghèo, làm giàu, anh Tài còn không ngừng học hỏi, cập nhật những kinh nghiệm sản xuất hay, mới trên sách, báo, truyền hình….và những người có kinh nghiệm; tích cự tham gia các lớp tập huấn để áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi vào thực tiễn sản xuất, nhằm nâng cao năng xuất lao động. Đến năm 2016, anh Tài đã mạnh dạn tham gia dự án trồng thêm 5,7 ha rừng phòng hộ từ diện tích đất của gia đình, được Nhà nước hỗ trợ cây giống và phân bón năm đầu tiên, qua quá trình thực hiện dự án, gia đình anh Tài đã thực hiện thành công, đến nay cây phát triển rất tốt.
Bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, sự tin tưởng, ủng hộ của vợ và người thân, hiện nay đời sống gia đình anh Tài đã được nâng lên, ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, bước đầu đã có sự tích lũy đáng kể. Năm 2010, gia đình anh Tài mới thu thu nhập khoảng 44.520.000 đ; Cho đến nay tổng thu nhập của mô hình trang trại hàng năm của gia đình anh đạt từ 344.520.000 đồng; sau khi khấu trừ các khoản chi phí đi khoảng 70.000.000đ gia đình anh thu về 274.520.000 đồng/năm.
Chính nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của mình mà anh Quàng Văn Tài đã được dân bản tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ bản Nà Ngám 3. Với nhiệm vụ được giao, anh Tài ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; tích cực hưởng ứng phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và quy ước, hương ước thôn, bản.
Trong thời gian tới, anh Tài xác định sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rừng phòng hộ và cây ăn quả với diện tích đăng ký lên 20 ha, đồng thời giúp đỡ và vận động bà con nông dân trong bản cùng thực hiện tốt công tác trồng rừng, xóa đói giảm nghèo tại địa phương và chung tay xây dựng nông thôn mới. Anh Quàng Văn Tài nhận ra, rừng là tài sản của quốc gia và cũng chính là “của cải” của người nông dân Tây Bắc. Trồng rừng, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ và “nhân lên” tài sản của chính mình. Muốn thoát đói, giảm nghèo, làm giàu thì yêu mến mảnh đất quê hương, vun vén, chăm sóc mảnh đất ấy để mảnh đất ấy ngày càng trở nên giàu có ắt bản thân cũng sẽ trở nên giàu có.
Huyện Điện Biên tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017 | |
Huyện Điện Biên phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 | |
Xã Thanh Yên xóa nhà tạm cho hộ nghèo. | |