• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Vấn đề cán bộ”
  • Thời gian đăng: 21/10/2019 02:30:11 PM
  • CT-HCM.jpg

    Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng công tác cán bộ, bởi đó là công tác trọng tâm, then chốt của Đảng, nhằm đưa cách mạng đến thành công, đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường, đem lại tự do, dân chủ, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Vấn đề cán bộ” trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” được Bác Hồ nêu ra và phân tích một cách sâu sắc, toàn diện; đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bác nhận định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (tr. 63); “Vì vậy, vấn đề cán bộ là vấn đề rất trọng yếu và rất cần kíp” (tr. 71). Đây là tư tưởng chủ đạo, thông suốt và nhất quán trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, tìm hiểu “Vấn đề cán bộ” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa rất quan trọng, bức thiết và có tác dụng to lớn trong việc đổi mới tư duy về công tác cán bộ trong thời kỳ hiện nay.

    Trong “Sửa đổi lối làm việc”, ngay từ chương II - “Mấy điều kinh nghiệm”, Bác Hồ đã nêu rõ: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong.Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém” (tr. 21). Với quan điểm đó, ở chương IV – “Vấn đề cán bộ”, Bác chỉ rõ: Đảng phải biết “Huấn luyện cán bộ”

    (tr. 63) và biết “Dạy cán bộ và dùng cán bộ” (tr. 70). Bác viết: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” (tr. 70). Như vậy cán bộ, đảng viên (CBĐV) tốt – là cái vốn quý báu của Đảng.

    CT-HCM-2.jpg
    Bác Hồ dù tuổi cao nhưng hàng ngày vẫn rèn luyện sức khỏe bằng việc đi bộ.

    Trong công tác cán bộ, thì việc lựa chọn, sắp xếp, cất nhắc cán bộ là vấn đề quan trọng nhất. Bác nêu ra 6 cách thức để lựa chọn, sắp xếp, cất nhắc cán bộ, trong đó 3 cách thức sau là quan trọng nhất: 1- “Phải biết rõ cán bộ”. Đảng phải thường xuyên tìm hiểu, xem xét để hiểu rõ cán bộ; qua đó, xác nhận những người tài, phát hiện những người “hủ hóa” (tức CBĐV thoái hóa, biến chất – Ghi chú của Đ.N.Đ). 2- “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng: … Khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì…/ Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”. 3- “Phải khéo dùng cán bộ”. Bác nhắc nhở: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người” (tr. 71 – 72). Đồng thời, Bác phê phán những sai lầm trong công tác cán bộ mà Bác gọi là những “chứng bệnh” sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình. Bác viết: “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo” (tr. 77 – 78).

    Trong việc lựa chọn cán bộ, Bác nêu ra các tiêu chí quan trọng về người cán bộ tốt: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh./ Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ./ Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn…/ Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật” (tr. 72 – 73). Bác còn nhắc nhở: “Đã lựa chọn đúng cán bộ, còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận, cũng như có một mắt sáng, một mắt mù” (tr. 73).

    Quan điểm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng, sâu sắc, toàn diện: Phải biết lựa chọn cán bộ, dạy bảo cán bộ, biết dùng cán bộ và yêu thương cán bộ. Nhưng Người dạy là Đảng phải kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh khi cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm. Bác viết: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên là cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lỗi lầm có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng” (tr. 84). Và Bác nhấn mạnh: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, càng làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn. Do đó mà uy tín và thể diện ngày càng tăng thêm” (tr. 85). Trong thực tế, đầu kháng chiến chống Pháp, Bác đã ký một số sắc lệnh ấn định hình phạt tù khổ sai, hoặc tử hình về tội nhận hối lộ, tham nhũng và 2 lệnh tử hình: một đại tá hậu cần mắc tội tham nhũng, một thứ trưởng phạm tội giết vợ để lấy vợ khác.

    Ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” – vẫn còn nguyên giá trị thời sự tươi mới và có ý nghĩa rất to lớn. Nhiều năm nay, trong việc lựa chọn, đề bạt, cất nhắc cán bộ, thì hiện tượng “Thứ nhất: hậu duệ, thứ nhì: quan hệ, thứ ba: tiền tệ, thứ tư: trí tuệ” (Lời GS Toán học Hoàng Tụy) là tình trạng rất phổ biến ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, thậm chí có nhiều vụ việc “bán chức, mua quan” rất xa lạ với tính Đảng Cộng sản! Những người chân tài bị dìm dập, bị cô lập, không được dùng, không thể được cơ cấu vào các cương vị lãnh đạo; nói như GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Người có tài thì không được dùng. Người được dùng thì không có tài”! Hiện tượng cả gia đình (ruột thịt) đều làm cán bộ lãnh đạo ngay trong một đơn vị, một cơ quan, tổ chức; cha ký quyết định “phong” chức cho con; đưa người trong họ hàng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở địa phương; hoặc trong một sở, một phòng mà chỉ có mỗi một nhân viên, còn toàn là cán bộ lãnh đạo; hoặc hiện tượng quá nhiều cấp phó ngay trong một cơ quan diễn ra nhan nhản…Bên cạnh đó, việc quản lý, đôn đốc, kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo - kể cả ở cấp cao còn rất nhiều sơ hở, lỏng lẻo, không kịp thời, thiếu nghiêm minh. Những điều đó hoàn toàn trái với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ.

    Hiện trạng nhức nhối trên đây về công tác cán bộ gây ra nhiều tác hại to lớn đối với đất nước: Sự trì trệ, yếu kém trong các lĩnh vực công tác và đời sống; quốc nạn tham nhũng và vấn đề lợi ích nhóm diễn biến phức tạp, trầm trọng; tệ cửa quyền, hách dịch, xa dân diễn ra tràn lan; sự lười biếng làm việc nơi công sở, lối sống hưởng thụ, buông thả của không ít CBĐV ngày càng gia tăng và biến tướng muôn hình nghìn vẻ. Nhà nước và nhân dân tốn rất nhiều tiền bạc trả lương khống cho rất nhiều cán bộ có chức quyền to – nhỏ nhưng kém đức, kém tài. Đấy là những sự thật đau lòng. Nhân dân bất bình và giảm niềm tin đối với Đảng.

    Đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy đã thu được nhiều thắng lợi về mọi mặt, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức to lớn cần phải nỗ lực vượt qua. Các Hội nghị TƯ 4, 5, 6, 7 (Khóa XI), Hội nghị TƯ 4, 5 (Khóa XII) là nhằm tiếp tục khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của Đảng, của các CBĐV, nhất là về “đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở”, “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” và vấn đề tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, nâng cao vai trò và chất lượng lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

    Cho nên, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cán bộ, đảng viên phải thiết thực học tập, nghiên cứu và làm theo lời Bác Hồ dạy về “Vấn đề cán bộ” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, biến thành những công việc cụ thể, kết quả cụ thể, để Đảng vững mạnh, cách mạng thắng lợi, đất nước tươi đẹp, phồn vinh./.

  • Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuấn - Ban Tuyên Giáo Huyện ủy
  • 471-480 of 2082<  ...  43  44  45  46  47  48  49  50  51  52  ...  >