Chăn nuôi gia cầm từ lâu đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Do vậy, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm được xã và các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Trước nguy cơ xâm nhiễm của các chủng vi rút cúm gia cầm thể động lực cao, xã Thanh Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến những hộ chăn nuôi trên địa bàn cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt tối đa mầm bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý tốt chất thải; tiêm đầy đủ vắc-xin cho đàn gia cầm. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên nhập con giống không rõ nguồn gốc, khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện ốm, bệnh phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra, lấy mẫu, xác định bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã không phát sinh ổ dịch lớn nào, đàn gia cầm của xã vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch.
Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính, nên vấn đề bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh được gia đình ông Vũ Đình Nguyên,thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yênchú trọng. Từ kinh nghiệm chăn nuôi được đúc rút qua nhiều năm, ông cho biết: Để phòng dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả thì việc vệ sinh chuồng trại là một trong những yếu tố quyết định. Chỉ cần giữ chuồng trại luôn khô thoáng, sạch sẽ là có thể hạn chế được sự sinh sôi, trú ngụ của các loại mầm bệnh. Theo ông, chuồng trại phải được làm cao, không để ẩm ướt, thiếu ánh sáng và thường xuyên cung cấp đủ lượng thức ăn cần thiết sẽ giúp cho đàn gia cầm tăng cường sức đề kháng. Với cách làm đó, nhiều năm trở lại đây gia đình ông Nguyên gần như chưabao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Một số dịch bệnh theo mùa đều được theo dõi và quản lý, điều trị kịp thời.
Sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, một số hộ chăn nuôi của xã Thanh Yên đã chuyển sang đầu tư vào chăn nuôi gia cầm. Hiện, toàn xã có trên 130.000 con gia cầm, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có ý thức chủ động phòng chống dịch, cấp ủy chính quyền xã Thanh Yên cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong năm 2021, xã đã tiến hành tiêm phòng được gần 100 nghìn liều cúm A/H5N1.
Đến thời điểm này, dù trên địa bàn xã chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng với số lượng gia cầm tương đối lớn nên công tác phòng chống dịch được xã đặc biệt chú trọng. Tập trung, hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Đồng thời, thường xuyên tổng vệ sinh, phun khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Trên thực tế, các chủng vi rút cúm gia cầm thể động lực cao như: dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 đã từng xảy ra và đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi ở xã .Tình trạng các hộ dân bất chợt tăng đàn trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch cũng là một trong những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Việc áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ là những biện pháp đầu tiên mà người chăn nuôi cần áp dụng để phòng chống dịch cúm gia cầm.
Với sự chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm từ phía người dân và chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực bảo vệ đàn gia cầm, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh có thể gây ra, đảm bảo cho đàn gia cầm phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Pe Luông – điểm đến để trải nghiệm nét văn hóa Thái - huyện Điện Biên | |
Chi cục Thuế huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên đồng hành với người nộp thuế | |