• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
  • Thời gian đăng: 09/04/2021 08:07:05 AM
  • Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
  • Tỷ lệ lao động có việc làm là tiêu chí số 12 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Theo đó, xã đạt chuẩn về tiêu chí lao động có việc làm khi đáp ứng yêu cầu tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 90% trở lên.

    Đối với huyện Điện Biên, công tác đào tạo nghề cho lao động được chú trọng. Huyện đã phối hợp tổ chức đào tạo sơ cấp nghề, nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động nông thôn của 21 xã với các ngành nghề thích hợp như: chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm, mây, tre đan, chổi chít, nuôi trồng thủy sản. Qua thống kê, từ năm 2016 - 2020 đã tổ chức 82 lớp dạy nghề cho 2.740 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho 6.247 lượt người. Nâng tổng số lao động có việc làm thường xuyên, đạt 92,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 45%.

    Hàng năm, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương được triển khai bằng các giải pháp cụ thể: hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn hỗ trợ việc làm cho người lao động là phụ nữ, người khuyết tật còn khó khăn về kinh tế và việc làm... Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về các xã, thôn bản để tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện đi vào hoạt động đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới...

    Theo thống kê của Phòng Lao động-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 6.247 lao động, bình quân 1.200 lao động mỗi năm, trong đó, xuất khẩu lao động 38 người, lao động được xuất cảnh đi làm việc chủ yếu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giải quyết cho lao động vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 400 lao động.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng việc làm ở nông thôn còn mang tính chất thời vụ cao. Ngoài ra, lao động nông thôn phần lớn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào lao động và sức khỏe, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định; một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề, một số lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong việc học nghề; chưa xác định được rõ ràng mục đích khi tham gia xuất khẩu lao động; tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế... nên tỷ lệ bỏ việc giữa chừng vẫn cao.

    Ðể giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho lao động của huyện hiện nay, trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông thôn và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, từ đó có các giải pháp cơ bản, phù hợp với từng vùng miền cụ thể. Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tập trung đào tạo cho lao động kỹ thuật sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, gắn với chương trình xây dựng NTM và các nghề phi nông nghiệp.

    Cùng với đào tạo nghề, giải quyết lao động tại địa phương, UBND huyện giao Phòng Lao động – TB&XH phối hợp với UBND các xã, các doanh nghiệp, công ty được cấp phép đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền, tư vấn về việc làm, trong đó thông báo đến người lao động được biết về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, vị trí việc làm, mức lương, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, các chế độ đãi ngộ khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp và làm việc có thời hạn ở Đài Loan, Nhật Bản, Rumani, Romania, Ả-rập Xê-út đề người lao động được biết và đăng ký tham gia.

    Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ giới hóa trong nông nghiệp; chuyển lao động từ nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ bằng cách phát triển kinh tế phi nông nghiệp với sự bổ sung của ngành chăn nuôi và các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là những ngành nghề góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động.

    Kết hợp hài hòa việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa, dựa vào thế mạnh của từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn; giữa việc hiện đại hóa sản xuất với phát triển theo hướng bền vững nhằm tạo cơ hội để lao động nông thôn vừa phát triển được các ngành nghề truyền thống, vừa tiếp cận được nền sản xuất hiện đại. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức về thị trưòng, về hội nhập để nông dân có thể sản xuất ra những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ, vừa thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đây cũng là một trong những cách tích cực góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

  • Tác giả: Nguyễn Khải – Phòng Lao động – TB&XH
  • HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM CUNG TIẾN CHIÊNG, TRỐNG TẠI ĐỀN THỜ HOÀNG CÔNG CHẤT
    Huyện Điện Biên: Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng.
    1911-1920 of 2017<  ...  187  188  189  190  191  192  193  194  195  196  ...  >