• Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập:
  • Huyện Điện Biên sản xuất nông nghiệp hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu
  • Thời gian đăng: 25/08/2016 03:07:38 PM
  • Hiện nay sản xuất nông – lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản đang đứng trước nguy cơ năng suất thấp và bấp bênh giữa các vụ và năm sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra.  Biến đổi khí hậu làm cho cây trồng sinh trưởng quá nhanh, hoặc bị chết do khô hạn hoặc rét đậm, rét hại. Từ thực tế này, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Điện Biên đã đưa ra một loạt giải pháp dài hơi tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cải tiến các điều kiên canh tác và sử dụng các giống mới có sức kháng bệnh để có thể thích ứng với tình trạng khắc nghiệt của thời tiết.

  • Giờ đây, không ai trong chúng ta còn hoài nghi về những nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là do sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển do các hoạt động kinh tế của con người. Tất cả các hoạt động này làm tăng nồng độ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2, bụi và hơi nước). Thực tế trong vài năm trở lại đây, biến đổi khi hậu đã tác động tới môi trường toàn cầu, những tác động rõ rệt nhất là ảnh hưởng tới đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoát sự đa dạng sinh học, tài nguyên đất, tài nguyên nước. Cụ thể dưới tác động của hiện tượng ElNino kết hợp với biến đổi khí hậu đã làm sụt giảm từ 20 – 25% lượng mưa mỗi năm, gây ra hiện tượng hạn hán kéo dài.

    Nhận thức sâu sắc vấn đề biến đổi khí hậu đối với các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trong vài năm trở lại đây các cơ quan chuyên môn của huyện Điện Biên đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các loại giống mới có sức kháng bệnh và chịu hạn để thích ứng với tình trạng khắc nghiệt của thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Điện Biên còn phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân nhận biết những diễn biến thời tiết để chủ động sản xuất và tuân thủ lịch thời vụ; quản lý dinh dưỡng, dịch hại và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước tưới; tổ chức trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ để tạo nguồn sinh thủy cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Điện Biên còn chỉ đạo các xã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp nhằm hạn giá thành sản xuất để tăng thu nhập cho người nông dân.

    Núa Ngam là 1 trong 2 xã có diện tích trồng ngô lớn nhất của huyện Điện Biên. Trong vài năm trở lại đây, để thích ứng với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, Núa Ngam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến kích người dân thay đổi cách thức làm ăn. Cụ thể, Núa Ngam đã chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô bằng các giống địa phương sang trồng các giống ngô chịu hạn của Việt Nam và của tập đoàn Sygentan, với các loại giống như: LVN10, NK66, NK6424. Cùng với đó, Núa Ngam còn tích cực triển khai và hướng dẫn nông dân ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững trên đất dốc như: kỹ thuật sản xuất ngô, sắn theo đường đồng mức; kỹ thuật che phủ đất bằng chính thân cây trồng đã thu hoạch; kỹ thuật trồng cây lương thực kết hợp với trồng cỏ và cây họ đậu. Mục đích của chương trình này nhằm ngăn chặn sự xói mòn, rửa trôi đất, đồng thời tăng độ ẩm, khống chế cỏ dại và tăng độ phì nhiêu cho đất.

    Nhờ sự chuyển đổi này, giờ đây cây ngô đã trở thành cây mũi nhọn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân Núa Ngam. Bên cạnh  đó, việc thay đổi mô hình sản xuất cũng làm thay đổi nếp nghĩ và cách làm của người nông dân, họ đã chuyển đổi từ tập quán canh tác dựa vào thiên nhiên, sang nền sản xuất chủ động có áp dụng tiến bộ KHKT vào cach tác để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố về thiên nhiên. Có thể thấy, việc phát triển cây ngô theo hướng chuyên canh hàng hóa không những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp mà còn giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giầu từ cây ngô.

    Cùng với chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, trong những năm qua để thích ứng với biến đổi khi hậu, huyện Điện Biên còn mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa không chủ động được nước tưới, năng suất thấp sang trồng những loại cây ăn quả cần ít nước như: cam canh, bưởi diễn tại hai xã Thanh Nưa và Noong Luống. Cùng với đó, chú trọng chuyển giao các quy trình thâm canh theo hướng hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm thiểu sự tác động đối với môi trường sinh thái như: xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn tại hai xã Thanh Xương và Pom Lót. Thực hiện việc khảo nghiệm, tuyển chọn những giống có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Từ những giải pháp trên, nhiều mô hình sản xuất thích ứng đã được triển khai và nhân rộng trong toàn huyện, điển hình như mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI; mô hình sản xuất lúa hàng biên bước đầu mang lại hiệu quả cao. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mô hình sản xuất lúa SRI và mô hình sản xuất lúa hàng biên giảm được 50 – 60% lượng giống gieo; giảm được 20 – 30% lượng phân bón; giảm số lần phun thuốc phòng trừ dịch hại từ 1 – 3 lần so với phương pháp canh tác lúa truyền thống. Do canh tác lúa theo SRI và xạ hàng đường biên nên cây lúa có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, phòng chống được một số loại bệnh hại như đạo ôn, khô vằn và bệnh bạc lá. Vấn để giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực đồng rộng áp dụng SRI và xạ hàng đường biên giảm từ 30 – 35% so với phương pháp cach tác truyền thống. Do giảm được lượng thuốc BVTV trong quá trình canh tác sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa trên thị trường.

    Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Điện Biên đã và đang hướng tới hình thức “Chăn nuôi xanh”, nghĩa là tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế dịch bệnh. Trong đó chú trọng tới giải pháp như: xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; sử lý chất thải rắn, chất thải lỏng trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học biogas; khuyến kích, hỗ trợ hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại chăn nuôi lớn sử dụng các chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, vận động, khuyến kích, hỗ trợ nông dân dồn điền, đổi thửa, tận dụng ruộng đất xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất trạng trại, gia trại quy mô lớn nhằm tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn cung ứng ra thị trường.

    Để hoạt động nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, huyện Điện Biên đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang xảy ra như: đưa một số giống thủy sản mới vào nuôi trồng; xây dựng một số mô hình thâm canh cá + lúa; khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng mô hình sản xuất giống thủy sản tại chỗ để cung ứng cho các hộ nuôi trồng. Chính bằng cách làm này, trong những năm gần đây lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại huyện Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, với tổng sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt 929 tấn, giá trị nuôi trồng đạt 80 triệu/ha/năm, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

     Có thể thấy, biến đổi khí hậu đã gây những tác động và tổn thương nặng nề về mặt xã hội. Chính vì vậy, các cấp, các ngành tiếp tục có những cơ chế, chính sách và chương trình hành động cụ thể để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của huyện Điện Biên cần tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa dạng hóa các hoạt động sản xuất và thu nhập để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đẩy mạnh phát triển rừng kinh tế, rừng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đối với nông dân cần chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp theo định hướng của ngành chức năng để sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro và tổn thất đối với hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản./.

  • Tác giả: Phạm Thọ Đài TT-TH huyện Điện Biên
  • 21-30 of 2070<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >