• PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM – BẢO VỆ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
  • Thời gian đăng: 14/05/2025 09:23:21 AM
  • Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, khi nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm ngày càng tăng cao thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng trở thành một mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Ngộ độc thực phẩm – một hiểm họa tiềm ẩn trong chính bữa ăn hàng ngày – không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng cá nhân mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng nếu không được kiểm soát kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống ngộ độc thực phẩm là một nhiệm vụ cấp thiết trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
  • Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.936 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số người mắc tăng 2.787 người, số tử vong giảm 4 người. Đáng chú ý, có 31 vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc), chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

    Trong số 135 vụ ngộ độc thực phẩm:

    - 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên, chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ.

    - 6 vụ liên quan đến hóa chất.

    - 45 vụ liên quan đến vi sinh vật.

    - 41 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

    Đối với huyện Điện Biên, với đặc thù là huyện miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Điện Biên đối mặt với không ít khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp huyện đến cấp xã, năm 2024 đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý được củng cố thông qua việc kiện toàn Ban chỉ đạo, ban hành đầy đủ các kế hoạch thực hiện, triển khai giám sát, kiểm tra liên ngành trên toàn địa bàn với 684 lượt cơ sở được kiểm tra, tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu lên tới 99,8%. Cùng với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh với 147 buổi truyền thông trực tiếp cho gần 3.700 lượt người, nhiều lớp tập huấn chuyên môn được tổ chức, hàng trăm lượt tin bài phát thanh trên hệ thống truyền thanh các cấp góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.

    Đáng chú ý, trong suốt năm 2024 và đầu năm 2025, toàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đây là thành quả rõ nét thể hiện hiệu quả của công tác giám sát, hậu kiểm và truyền thông sâu rộng đến cộng đồng. Đồng thời, việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng được thực hiện nghiêm túc, góp phần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    Để đạt được những kết quả trên, trong những năm qua công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được huyện Điện Biên quan tâm, chỉ đạo sát sao; thường xuyên ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo trong đó xác định rõ phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tập trung triển khai quyết liệt các đợt cao điểm kiểm tra liên ngành, tổ chức giám sát định kỳ, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

    Bên cạnh đó, huyện đặt mục tiêu phát triển các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ sản xuất đến tiêu dùng. Công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đến tận thôn bản, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hướng tới thói quen sử dụng thực phẩm an toàn. Công tác xét nghiệm, giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm nông nghiệp được tăng cường với sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện.

    Ngoài ra, việc ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cũng được thực hiện đồng bộ và sâu rộng đến các hộ sản xuất nhỏ lẻ, không thuộc diện cấp giấy chứng nhận, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

    Ngộ độc thực phẩm – một hiểm họa tiềm ẩn trong chính bữa ăn hàng ngày – không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng cá nhân mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng nếu không được kiểm soát kịp thời và hiệu quả.

    Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi con người tiêu thụ phải thực phẩm có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các hóa chất độc hại. Những tác nhân này có thể xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản hoặc vận chuyển. Dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau vài giờ hoặc một vài ngày sau khi ăn, với các triệu chứng phổ biến như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, thậm chí là rối loạn thần kinh, suy hô hấp, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguy hiểm hơn, ngộ độc thực phẩm còn có khả năng bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến nhiều người trong cùng một khu vực, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

    Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm thường xuất phát từ việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm đã ôi thiu hoặc nhiễm vi sinh vật; bảo quản thực phẩm không đúng cách, để lẫn lộn thực phẩm sống và chín; dụng cụ chế biến không được vệ sinh sạch sẽ; người trực tiếp chế biến không tuân thủ quy trình vệ sinh cá nhân; hoặc sử dụng các hóa chất độc hại trong bảo quản, tạo màu, tạo mùi cho thực phẩm. Đặc biệt, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đường phố, hàng rong nếu không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

    Để phòng chống ngộ độc thực phẩm một cách hiệu quả, điều quan trọng trước tiên là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Khi mua thực phẩm, cần ưu tiên lựa chọn các loại có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất và cung cấp bởi các cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau củ quả nên chọn loại còn tươi, không dập nát, không có dấu hiệu héo úa hay bị ngâm hóa chất. Thịt cá cần đảm bảo tươi sống, không có mùi lạ, màu sắc bất thường. Đối với các sản phẩm đóng gói sẵn, cần kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng và tình trạng bao bì. Không nên mua các sản phẩm không nhãn mác, không có tên nhà sản xuất hay bị biến dạng, rách bao bì.

    Trong quá trình chế biến, cần rửa sạch nguyên liệu bằng nước sạch, tốt nhất là ngâm với nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau củ chuyên dụng để loại bỏ bớt vi khuẩn và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Phải đảm bảo quy trình nấu nướng chín kỹ, đặc biệt là các loại thịt, hải sản, trứng, không ăn sống hoặc tái. Cần có sự tách biệt rõ ràng giữa thực phẩm sống và thực phẩm đã chế biến chín để tránh lây nhiễm chéo. Dụng cụ bếp như dao, thớt, nồi chảo cần được vệ sinh kỹ sau mỗi lần sử dụng. Người trực tiếp chế biến cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, mang găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và tuyệt đối không chế biến nếu đang mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, cảm cúm.

    Việc bảo quản thực phẩm cũng đóng vai trò then chốt trong việc phòng chống ngộ độc. Thức ăn sau khi nấu cần được dùng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp. Không nên để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Những thực phẩm để qua đêm cần được đun lại kỹ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng lại các loại thực phẩm đã ôi thiu, biến chất hoặc có mùi vị bất thường, dù chỉ là một lượng nhỏ.

    Cùng với sự nỗ lực từ phía người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể cũng phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm. Việc tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, nguồn nguyên liệu và đào tạo nhân viên là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo thực phẩm được cung cấp ra thị trường là an toàn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

    Ngộ độc thực phẩm không phải là một sự cố ngẫu nhiên mà thường là kết quả của sự lơ là, thiếu hiểu biết hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng thực phẩm. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần hiểu rõ rằng sức khỏe và tính mạng con người không thể đánh đổi bằng sự tiện lợi, lợi nhuận hay thói quen tùy tiện trong ăn uống. Chỉ khi nào toàn xã hội đồng lòng thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc an toàn thực phẩm, khi ấy chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường sống lành mạnh, phát triển bền vững và đảm bảo quyền được sống khỏe mạnh cho mỗi người dân.

    Vì sức khỏe của chính mình, của gia đình và cộng đồng, hãy cùng nhau nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Hãy là người tiêu dùng thông thái, là người nội trợ có trách nhiệm và là công dân có ý thức trong việc bảo vệ an toàn thực phẩm – vì một cuộc sống an lành và khỏe mạnh cho hôm nay và cả thế hệ mai sau.

  • Tác giả: Nguyễn Nam
  • Các tin bài khác:
  • Từ 1-8, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông
    Nơi tấm lòng hội tụ
    Điện Biên: 4 án tử hình, 1 chung thân cho các đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy
    Công an tỉnh tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau cuộc bầu cử
    Đảng bộ huyện Điện Biên đẩy mạnh công tác phát triển Đảng
    Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020
    Huyện Điện Biên: Tập trung mọi nguồn lực, để thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân
    Nông nghiệp huyện Điện Biên chuyển biến tích cực nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
    VKSND huyện Điện Biên trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ hình sự tại đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang
    VKSND huyện Điện Biên, thực hiện công tác đột phá: “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kiểm sát việc thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ”
    41-50 of 2178<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: