|
Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Lực lượng quản lý thị trường, hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng đã đồng loạt vào cuộc, triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thực tế cho thấy tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn phức tạp. Các đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp, có sự móc nối, liên kết chặt chẽ, lợi dụng công nghệ, thương mại điện tử, sự lỏng lẻo trong kiểm tra giám sát, thậm chí là lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi sai phạm.
Trong khi đó, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái lại có xu hướng bùng phát trong nội địa, len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm, đến vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Một hình thức vi phạm ngày càng đáng lo ngại khác là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – vốn là "hồn cốt" trong nền kinh tế tri thức hiện đại. Tình trạng sao chép kiểu dáng, nhãn hiệu, bản quyền, giả mạo nguồn gốc xuất xứ... không những làm giảm sút uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn bóp méo động lực đổi mới sáng tạo, đẩy lùi tiến trình phát triển công nghệ trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đáng chú ý, sự bùng nổ của thương mại điện tử và mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động thương mại nhưng cũng đồng thời tạo ra không gian mới cho các hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gây khó khăn cho công tác quản lý. Các đối tượng thường lợi dụng nền tảng mạng xã hội, website ẩn danh hoặc sàn giao dịch điện tử để rao bán hàng hóa, khi bị phát hiện thì nhanh chóng xóa dấu vết, chuyển sang hình thức khác để lẩn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Trước tình hình đó, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và mỗi người dân. Để đẩy lùi được vấn nạn này, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm.
Trước hết, phải siết chặt công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, tăng cường phối hợp liên ngành giữa các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân, đặc biệt là tại các địa bàn biên giới, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, giúp người dân nhận diện được hàng giả, hiểu rõ hậu quả của việc tiếp tay cho buôn lậu, qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Cũng từ đó hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa rõ nguồn gốc, có chất lượng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của bản thân.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng cách đăng ký bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... theo quy định pháp luật, đồng thời đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu uy tín, minh bạch và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, bảo vệ thị trường.
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của người tiêu dùng trong cuộc chiến này. Chính mỗi người dân khi kiên quyết nói không với hàng giả, không tiếp tay cho buôn lậu, không tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc... sẽ là lực lượng mạnh mẽ nhất trong việc ngăn chặn các hành vi sai trái. Khi người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm chính hãng, có chất lượng, có kiểm định, có xuất xứ rõ ràng, thì hàng giả tự khắc không còn đất sống.
Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và đồng lòng của toàn xã hội. Đây không chỉ là việc bảo vệ nền kinh tế mà còn là bảo vệ sức khỏe, niềm tin và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân. Vì một thị trường lành mạnh, vì một môi trường kinh doanh công bằng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, hãy cùng chung tay nói không với buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau.