• Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 06/12/2018 09:43:53 AM
  • Thành lập ngày 01/7/2013 theo Nghị quyết 45 của Chính phủ, xã Hẹ Muông là một xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, cách trung tâm huyện lỵ Điện Biên hơn 33 km về phía Nam. Diện tích tự nhiên: 7.396,87ha. Dân số586hộ với 2.716 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc gồm: Thái, Mông, Khơ mú và một số dân tộc khác cùng sinh sống ở 10 bản.

    1. Cơ sở hình thành và phát hiện di tích

    Được phát hiện năm 2010 bởi một người dân bản Na Côm. Hang động Chua Ta nằm ở lưng chừng núi thuộc khu tái định cư mới của bản Na Côm, thuộc địa phận xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong quần thể núi đá vôi, thảm thực vật đa dạng sinh học phong phú, do sự kiến tạo, vận động qua hàng triệu năm của trái đất đã hình thành nên một hang động kỳ thú, hiếm có. Hang động Chua Ta cách trung tâm xã 17km về phía Tây Bắc, nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển.

    Tháng 02/2014, Bảo tàng tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND xã Hẹ Muông khảo sát thực địa hang động. Qua nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy vẻ đẹp, ý nghĩa, vai trò của danh lam thắng cảnh đối với việc phát triển du lịch nên đã tham mưu với UBND huyện Điện Biên và UBND tỉnh lập hồ sơ di tích đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận: Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta.

    Hang động có tên Chua Ta bởi vì trước đây xung quanh hang động có nhiều ong khoái (theo tiếng của người dân tộc Mông: Chua có nghĩa là núi, Ta có nghĩa là ong -  núi Ong khoái); ngoài ra hang động còn được người dân địa phương gọi tên là hang động Na Côm, gắn với tên bản nơi di tích đang tồn tại.

    2. Hiện trạng di tích

    Hang động Chua Ta là 3 kiểu hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái trong hang động, hệ sinh thái dưới nước (sông suối), đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hệ thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm, những cánh rừng nguyên sinh chứa nhiều điều bí ẩn.

    Vị trí cửa hang nhỏ hẹp, chiều rộng 0,7m, cao 0,9m và quay về hướng Tây Bắc, chiều dài hang động 500m, uốn theo hình chữ S, trong hang động chia làm hai ngăn chính và rất nhiều ngách nhỏ, nơi rộng nhất 25 - 30m, cao 18 - 20m, phần lớn dưới nền hang động là đất, cát, đá và nhiều viên cuội tròn màu trắng, màu xám. Do địa hình núi đá vôi chia cắt cùng với quá trình cát hòa tan và ngưng đọng carbonat hình thành nên khá nhiều nhũ đá, cột đá.

    He-Muong-1.jpg

    Ngăn thứ nhất rộng 18 - 20m , cao 6 -7m, trần và hai bên thành hang động có nhiều nhũ thạch màu trắng, màu vàng đan xen nhau  như những bức màn gió rất đẹp. Dưới nền hang động là hình ảnh những chiếc cối đá màu nâu kích thước to nhỏ khác nhau, các nhũ đá hình măng, hình nón thấp, nhỏ. Ngăn thứ nhất được chia làm 2 ngách chính.

    Ngách thứ nhất nằm bên trên, dài khoảng 50m, rộng khoảng 13 - 15m, nền hang động là hình ảnh ruộng bậc thang uốn lượn, nhũ đá kết tủa như san hô hay hình ảnh các bồn tắm nhỏ màu trắng bên trong có nước, trên thành bồn là những viên cuội màu trắng ngà hình chữ nhật, bên cạnh đó là những cột đá cao khoảng từ 4 - 5m, đường kính 1,5 - 2m, xung quanh phủ nhũ màu vàng, trắng xen lẫn nhau tạo sự óng ánh khác thường.

    He-Muong-2.jpg

    Ngách thứ 2 nằm dưới ngách thứ nhất, dài 30m, nền hang động là hình ảnh ruộng bậc thang, có nhũ đã giống hình tượng phật cao khoảng 1m, rộng 0,4m, nhũ đá trắng, vàng xen lẫn, dưới ánh sáng hình tượng phật tỏa sáng như được dát vàng, dát kim cương, làm cho không gian thêm phần thiêng liêng, huyền ảo, người dân nơi đây coi tượng phật này như là chủ động nên mỗi lần vào đây họ đều bái lậy để cầu thiện tâm và bình an.

    Điều kỳ thú là suốt chiều sâu của ngăn này dưới nền hang động là cồn cát mịn hay những dải đá với những viên sỏi tròn trắng tinh. Vách hang động là những dải nhũ đá màu trắng tinh như muối kết tinh hay những khối nhũ đá màu vàng óng ánh, tạo ấn tượng mạnh đối với du khách.

    He-Muong-3.jpg

    Trần hang động nhũ đá kết tủa hình chiếc ô, hình các con vật, cỏ cây hoa lá màu trắng, xanh, vàng … xen nhau trông giống những bức tranh phong cảnh được dát vàng, dát bạc. Cảnh vật càng trở nên kỳ thú khi những gườm đá dài gõ vào nhau tạo nên âm thanh vang vọng khác nhau, hay những nhũ đá nhỏ xuống những giọt nước trong vắt, dân bản trong vùng ví đây là giọt nước tiên.

    He-Muong-4.jpg

    Ngăn thứ 2 nằm ở vị trí thấp hơn ngăn thứ nhất và có nhiều ngách rộng, bằng phẳng giống như một hội trường lớn có sức chứa trên 300 người. Nền hang động có những viên cuội tròn màu xám được đặt trên một phiến đá tròn, đường kính khoảng 0,4m trông giống hình mâm xôi hay hình mâm ngũ quả. Hình thù hang động càng trở nên kỳ diệu hơn với những gườm đá kéo dài nối với nền hang động như những thửa ruộng bậc thang hay dải san hô dài 20 - 22m, rộng gần 20m, những ngọn đá hình ngọn măng mọc … vách và trần hang động nhũ đá buông xuống như những dải lụa với nhiều kiểu dáng như được bài trí bởi bàn tay người thợ may.

    He-Muong-5.jpg

    Đặc biệt trên trần hang động nhũ đá kết lại như những cụm đèn chùm pha lê hay một bức tranh khổng lồ trên đó chạm khắc nhiều hình thù kỳ lạ, khối giống tượng phật, khối giống các con vật, hình bông hoa hay chiếc lá ... tùy theo trí tưởng tượng của mỗi du khách.

    He-Muong-6.jpg

    Vào sâu bên trong, nhũ đá hai bên thành và trần hang động hiện lên trước mắt du khách những tư thế vô cùng sinh động. Phía dưới là những rừng măng đá, nhũ đá nhiều màu với nhiều hình thù kỳ lạ. Đứng dưới vòm hang động ta như có cảm giác như đang đứng giữa một tòa lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ.

    Cuối hang động có một dòng suối nước mát trong veo với những cồn cát mịn hay những dải đá sỏi dài trắng tinh. Suối còn có thác nước cao khoảng 20m đổ xuống tạo thành dòng chảy, tại đây du khách có thể bắt gặp một số loài vật như cua đá, tôm, cá suối ... tạo sự thích thú với người xem.

    He-Muong-7.jpg

    Bên cạnh hang động Chua Ta, cách 300m còn có hang Dơi, người dân nơi đây gọi tên hang như vậy vì trong hang có rất nhiều Dơi sinh sống, hang có chiều sâu khoảng 200m, trong hang có ít nhũ đá. Vào mùa mưa nước từ trong khe núi chảy vào hang từ đó đổ xuống các ngăn và ngách của hang tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau tạo sự bí ẩn, đẹp mắt.

    3,  Ý nghĩa của di tích

    Di tích hang động Chua Ta, xã Hẹ muông có ý nghĩa to lớn về giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử, khoa học, giá trị về mặt văn hóa, du lịch và kinh tế.

    Hang động Chua Ta có vẻ đẹp tự nhiên do thiên nhiên kiến tạo bao gồm 2 ngăn chính cùng nhiều ngách nhỏ và nhũ đá mang hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, mỗi ngăn, mỗi ngách đều mang một vẻ đẹp riêng, độc đáo. Điểm đặc biệt cuối hang có một con suối và thác nước, đây được ví như một động tiên, được tạo hóa bởi thiên nhiên, là nơi giao lưu giữa trời và đất.

    He-Muong-8.jpg
    Được ví như một bảo tàng địa chất chứa đựng những bằng chứng của quá khứ về điều kiện khí hậu, địa chất, động, thực vật. Tại đây có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu các chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất đai, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường, sinh vật. Di tích danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta là thành tố quan trọng của quá khứ gắn kết với tương lai, là chất kết dính, mạch nối bền chặt đối với các thế hệ của xã hội, là bản thông điệp giàu sức truyền cảm qua các thế hệ, có giá trị thẩm mỹ cao có sức truyền tải lớn, đóng góp tích cực vào nghiệp xây dựng, phát triển trí tuệ, tài năng, bản sắc nhân văn của cộng đồng các dân tộc.

    Hang động Chua Ta còn là đối tượng nghiên cứu văn hóa phi vật thể. Theo thuyết vạn vật hữu linh người dân vẫn quan niệm: "Vạn vật trong thiên nhiên đều có hồn, có các vị thần cai quản như thần động, thần đá, thần rừng". Và Hang động Chua Ta không nằm ngoài quan niệm trên, bởi cũng có một vị thần cai quản, chính giá trị tín ngưỡng tâm linh này đã gắn ý thức bảo vệ thiên nhiên của con người nơi đây trong việc gìn giữ những giá trị nguyên gốc của di tích.

    He-Muong-9.jpg

    Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta sẽ trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nếu được được đầu tư, quản lý và khai thác hợp lý.

    Với những ưu đãi của thiên nhiên cùng với ý thức của người dân, hang động Chua Ta đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, trong tương lai nơi đây sẽ trở thành tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giải trí và liên kết phát triển du lịch giữa các điểm di tích trên tuyến đường huyện Điện Biên, Điện Biên Đông ... phù hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá của du khách trong và ngoài nước.

    He-Muong-10.jpg

    Là một trong những nơi hội tụ vẻ đẹp danh thắng hoang sơ, bí ẩn và đầy hấp dẫn. Nơi đây luôn có sức thu hút lớn đối với những du khách ưa trải nghiệm, mạo hiểm và khám phá vùng địa hình núi non, hang động hiểm trở. Du khách đến đây không những trải nghiệm trong hang động cảm nhận sự nhỏ bé của con người trước vẻ đẹp của thiên nhiên, khám phá những bí ẩn của "lâu đài" thạch nhũ, cảnh quan hùng vĩ mà còn được tìm hiểu truyền thống của dân tộc Mông, họ rất giỏi canh tác, trồng trột và đan lát các đồ mây tre, dệt thổ cẩm... hay những tiếng khèn môi gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái như lay động cả núi rừng.

    Từ khi được phát hiện cho đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hẹ Muông đã cảm nhận rõ vẻ đẹp, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta, coi đây là tiềm năng và là lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã  chủ động thành lập tổ bảo vệ, quyết tâm giữ gìn và bảo vệ giá trị của di tích.

    Để phát huy những giá trị vô cùng lớn, vốn có của Di tích quốc gia Danh lam thàng cảnh hang động Chua Ta, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, sự chia sẻ của cộng đồng, các nhà nghiên cứu và sự quan tâm của mỗi chúng ta. Hãy một lần đặt chân đến thăm di tích để được trải nghiệm và khám phá danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên đã ban tặng./.

  • Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuấn - UBND xã Hẹ Muông
  • Sôi nổi Ngày hội Giao lưu văn hóa dân tộc Mông tại Na Ư
  • Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái huyện Điện Biên
  • Lễ hội cầu mưa dân tộc Thái tại bản Liếng, xã Noong Luống
  • Độc đáo, tưng bừng Tết Té Nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào huyện Điện Biên năm 2024
  • TẾT TÉ NƯỚC DÂN TỘC LÀO XÃ NÚA NGAM, HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2024
  • Khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ, năm 2024
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024
  • INTRODUCTION INFORMATION ABOUT THE HISTORICAL AND CULTURAL RELIC OF BAN PHU CITADEL (English)
  • Giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên
  • Du lịch huyện Điện Biên tiềm năng, định hướng phát triển
  • 1-10 of 32<  1  2  3  4  >
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: