3:20 phút - Thứ tư, 22/1/2025 |
|
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam có quyền thực hiện khát vọng thiêng liêng của mình là được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc và có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta. Tổ quốc ta đã phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà. Đồng bào ta tràn ngập niềm vui trong Ngày đại thắng. Thắng lợi vĩ đại này đã làm nức lòng bè bạn gần xa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Sau chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam thiết tha mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước sau nhiều năm chiến tranh hy sinh, gian khổ; đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận.Tuy nhiên, Sáng 17-2-1979, Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Lai Châu, với tổng quân số lên đến hơn 600.000 người (bao gồm 32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng lực lượng lớn dân quân và dân công).Do đại quân đang tập trung ở mặt trận Tây-Nam và trên lãnh thổ Campuchia, nên lực lượng quân sự của Việt Nam tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có 6 sư đoàn của Quân khu I và Quân khu II (gồm các sư đoàn: 325B, 3, 346, 316A, 345, 326) cùng bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân du kích, tất cả chỉ khoảng 50.000 người. Tương quan lực lượng giữa Việt Nam với Trung Quốc trong buổi đầu của cuộc chiến quá sức chênh lệch là 1/12.
Quân Trung Quốc đã dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, lấy “biển người” để đồng loạt tấn công các vị trí xung yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Bộ đội và dân quân các nơi tuy bị áp đảo về quân số, nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu, chận đứng và từng bước đẩy lùi quân giặc, làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thọc sâu, tiêu diệt lớn” của chúng, tiêu hao số lượng lớn sinh lực địch. Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc. Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc". Ngay sau lời kêu gọi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trường Chinh. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ. Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu
Lời kêu gọi của Trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Lệnh tổng động viên được ban bố, cũng trong ngày 5/3/1979 Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Ngày 7/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
Cũng như thời Bình Ngô của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, ngày 7-3-1979, Việt Nam thể hiện thiện chí hòa bình và lòng nhân đạo của dân tộc, tuyên bố cho phép Trung Quốc rút lui mà không rượt đuổi hay đánh chặn. Trung Quốc hoàn thành việc rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vào 18-3-1979 với tuyên bố không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đóng giữ một số vị trí dọc tuyến biên giới, phá hủy nhiều cột mốc, và đồn trú lực lượng quân sự trên suốt chiều dài biên giới hai nước, tiếp tục khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Trong trận chiến tháng 2 và 3-1979, Việt Nam đã làm thương vong 62.500 lính Trung Quốc (trên 1/10 quân số tham chiến), đánh tan và gây thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự các loại, phá hủy và tịch thu 115 khẩu pháo, súng cối hạng nặng. Phía Việt Nam bị tổn thất dù ít hơn nhiều lần, nhưng rất nặng nề, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị tàn phá, 400.000 gia súc bị chết và thất lạc, hàng chục nghìn héc-ta hoa màu tan nát, nhà cửa và tài sản nhân dân bị hủy hoại nghiêm trọng, khoảng 8.000 chiến sĩ hy sinh và trên 10.000 thường dân bị thiệt mạng.
Ngày 18/2/1979 UBTW MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch chống Việt Nam. Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Lai Châu ra lời kêu gọi "Nơi có chiến sự thì thanh niên, người khoẻ phải bám đất, bám dân để chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, kiên quyết đánh bật địch ra khỏi biên giới Lai Châu. Nơi chưa có chiến sự phải làm mọi việc chi viện đắc lực cho tiền tuyến, chăm sóc tốt thương binh, cảnh giác bảo vệ hậu phương, củng cố đội ngũ, luyện tập sẵn sàng chiến đấu thắng lợi ".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ, lời kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu, huyện Điện Biên đã nhanh chóng chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, nâng cao tinh thần cánh giác sẵn sàng chiến đấu.Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên của huyện đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường đánh quân xâm lược, trong đó có nhiều lá đơn được viết bằng máu. Các đợt tuyển quân đều vượt chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo số lượng và chất lượng, 100% thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhiều gia đình có cả con và cháu đều xin lên đường giết giặc. Phong trào chi viện cho tuyến trước, chi viện cho đồng bào vùng chiến sự trong tỉnh đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, trên 30 tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm, hàng trăm tấn rau quả, thuốc men, bánh kẹo... đã kịp thời chuyển ra tiền tuyến trong những ngày chiến đấu ác liệt. Chỉ tính riêng 17 xã và một số cơ quan của huyện trong 5 ngày đã ủng hộ được 87 tấn rau, 108 kg thịt, 17 con trâu, 74 kg mì chính, 3 tạ lạc... Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, nhân dân các dan tộc huyện Điện Biên đã tình nguyện vận chuyển hàng ngàn lá thư, quà, tặng phẩm ra biên giới, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ trên các điểm tựa tiền tiêu, thể hiện tình quân dân sâu sắc, nhân dân các dân tộc còn đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng phòng tuyến quân sự; để đối phó với âm mưu, hành động phá hoại của địch huyện đã nhanh chóng triển khai lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, huyện thường xuyên phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch, gây chia rẽ các dân tộc, kịp thời dập tắt âm mưu bạo loạn, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, giữ vững an ninh chính trị, dẹp trừ những vụ gây rối; giải quyết đúng chính sách, chế độ đối với người Hoa, ổn định cuộc sống cho đồng bào Hoa ở khu vực xã Nà Tấu.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979, Qua 22 ngày đêm chiến đấu quyết liệt từ ngày 17/2 đến 10/3/1979, quân và dân các dân tộc huyện Điện Biên đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của tỉnh đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, thu và phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Cuộc chiến tranh biên giới đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho nhân dân ta, phải mất nhiều năm sau mới khôi phục lại được. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chiến sự, ngày 26/3/1979 Ủy ban hành chính tỉnh ra chỉ thị số 6 về Mở cuộc vận động để giúp đỡ nhân dân vùng chiến sự. Phong trào nhường cơn sẻ áo giúp đỡ đồng bào nơi có chiến sự được đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Điện biên nhiệt tình tham gia. Hàng chục tấn gạo, trên 5.000 mét vải, hàng trăm chiếc chăn màn, 40.000 đồng... đã được gửi lên các huyện tuyến trước để giúp đỡ đồng bào khắc phục khó khăn sau chiến tranh.
Hằng năm cứ vào dịp này, nhiều người dân Việt Nam vẫn nhắc nhau nhớ về cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979. Đến nay, đã 40 năm trôi qua nhưng cuộc chiến hào hùng và cũng nhiều đau thương này vẫn để lại trong lòng người dân Việt niềm trăn trở.Trong cuộc chiến chống quân xâm lược ấy, biết bao người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất phên dậu của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một trong những trang sử vàng oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Dù chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng sự khốc liệt và tinh thần anh dũng của quân và dân ta đã viết tiếp lịch sử hào hùng của đất nước. Vì lẽ đó, không ai được phép lãng quên những ngày tháng 2 lịch sử ấy. Đây cũng là chủ trương nhất quán đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhiều lần khẳng định.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, trong đó các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Theo đó, không có sự phân biệt về chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ các giai đoạn khác. Hiện nay chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh nói chung được thực hiện theo pháp lệnh cựu chiến binh và nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh cựu chiến binh. Các cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng các chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTG, ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Bên cạnh đó, các cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng những ưu đãi khác như được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cựu chiến binh trong độ tuổi lao động được ưu tiên học nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với sức khỏe và chuyên môn đào tạo, xuất khẩu lao động. cựu chiến binh cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội cựu chiến binh cơ sở đề nghị, chính quyền xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội...
Ngoài ra, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ (Đảng, nhà nước đã cho xây dựng và nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang quốc gia); tổ chức nhiều hoạt động về nguồn... đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Đây thực sự mới là những việc làm thiết thực để tưởng nhớ và đền đáp công lao của những liệt sĩ, cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Để đền đáp công lao của người có công, những năm qua, các cấp, các ngành trong huyện đã chủ động triển khai, thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành đối với người có công với cách mạng. Cơ bản đã giải quyết dứt điểm những chính sách tồn đọng về công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong các thời kỳ cách mạng. Tính đến ngày 30/12/2018 toàn huyện đã giải quyết hưởng chế độ 1 lần cho trên 100 cựu chiến binh tham gia chiến đấu theo Quyết định số 62; chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 50 người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể huyện đã đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã quyên góp ủng hộ vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được trên 300 triệu đồng, xây mới 4 nhà tình nghĩa với số tiền trên 150 triệu đồng, tặng 450 sổ tiết kiệm với số tiền 450 triệu đồng. Nhân dịp 27/7 và Tết Nguyên đán, toàn huyện đã tổ chức thăm hỏi tặng 2.500 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng với số tiền trên 3 tỷ đồng. Huy động hàng ngàn lượt người tham gia sửa chữa nhà bia, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức chu đáo cho các đoàn đại biểu và thân nhân gia đình liệt sỹ đến viếng nghĩa trang liệt sỹ. Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên, hầu hết người có công và thân nhân của họ được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt đến nay, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong huyện đã thường xuyên quan tâm, chú trọng thực hiện chủ trương đảm bảo các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn với mức sống trung bình của dân cư ở nơi cư trú. Con liệt sỹ, thương binh cũng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học hành, công tác hoặc sản xuất, kinh doanh, nhiều người đã vượt khó vươn lên thành đạt. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, cung cấp thông tin liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, giúp đỡ gia đình chính sách được toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được cải thiện. Các di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn được chăm lo tu bổ.
Cùng với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, chúng ta hết sức trân trọng và cảm động trước những cố gắng to lớn của đông đảo các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, đã sống hết sức gương mẫu, tận tâm, tận lực cống hiến phần sức lực còn lại cho công cuộc đổi mới đất nước, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Nhiều đồng chí đã nỗ lực vươn lên hăng hái tham gia lao động sản xuất và sản xuất giỏi, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, không những làm giàu cho gia đình mình mà còn tăng thu nhập, giải quyết nhiều lao động ở địa phương, nhiều tấm gương tiêu biểu mẫu mực cho chúng ta học tập và noi theo.
Thế nhưng, hiện nay chúng ta vẫn chưa thực sự yên tâm khi vẫn còn có những gia đình chính sách cuộc sống còn khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhiều thương binh, bệnh binh đang chịu sự hành hạ của vết thương tái phát, bệnh tật và những di chứng mà chiến tranh để lại, đang rất cần sự chăm lo của Đảng, chính quyền và xã hội; một số gia đình nhà cửa chưa ổn định, con chưa có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn một số nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chưa được khang trang, nhiều ngôi mộ của liệt sỹ mà chúng ta chưa thể biết tên và vẫn còn những liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, để lại nỗi đau thương khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.
Với tình yêu thương, nghĩa cử và trách nhiệm, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị trong toàn huyện cần tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và mọi người dân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với nước bằng nhiều việc làm thật thiết thực và với cả tấm lòng, sự tri ân sâu sắc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình chính sách. Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa chính sách của Nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ chính sách với phương châm tuyệt đối không để lọt, để sót và giải quyết nhanh, dứt điểm những trường hợp người thật sự có công nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và nghiêm trị theo pháp luật những trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể động viên, đoàn viên, hội viên các tầng lớp nhân dân, kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ phát triển Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp vật chất, động viên tinh thần cho các gia đình chính sách, con liệt sỹ, thương binh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, động viên, mong muốn các đồng chí thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình có công với nước vượt lên trên mọi khó khăn, nỗ lực hết sức mình sống và làm việc gương mẫu, đóng góp tinh thần, sức lực dựng xây đất nước, làm rạng rỡ truyền thống quê hương và gia đình.
Cùng với cả nước trong bước chuyển mình sau 40 năm kết thúc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Đảng bộ và nhân dân huyện Điện Biên với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, chúng ta nhất quán thực hiện chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 cần phải được ghi nhớ và ghi vào sách sử, vì đây là một cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Về bản chất, nó không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử dưới các triều đại như Lý, Trần, Lê hay Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng bọn xâm lược phương Bắc. Việc không quên lãng cuộc chiến tranh này, chính là để các thế hệ hiện tại khắc cốt ghi tâm, tưởng nhớ đến những người đã chiến đấu bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công, mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu./.