CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Cựu chiến binh xã Núa Ngam giúp nhau phát triển kinh tế
  • Thời gian đăng: 20/12/2016 08:26:35 AM
  • Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Núa Ngam có 102 hội viên, sinh hoạt ở 13 chi hội. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội CCB xã Núa Ngam đã làm tốt công tác tập hợp hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, Ban chấp hành Hội CCB xã Núa Ngam đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; thành lập các mô hình sản xuất tập trung gia trại, trang trại nhở và vừa. Bên cạnh đó, Ban chấp hành Hội CCB xã Núa Ngam còn thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm hoàn cảnh, nguyên nhân từng hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ như: tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, cho vay quỹ hội; tổ chức các hoạt động hỗ trợ cây, con giống, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên. Chính bằng những việc làm cụ thể và thiết thực này đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB gương mẫu tiên phong phát triển kinh tế với việc xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

    Gia đình ông Lường Văn Lún, ở bản Ten Núa là một trong rất nhiều CCB trong xã Núa Ngam được Hội CCB xã tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Trong căn nhà vừa được tu sửa lại ông cho biết: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương ông đã bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình. Ruộng đất ít, lại thiếu vốn, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn khó khăn. Nhận thấy tại địa phương có một số hộ nuôi ong hiệu quả, ông bàn bạc với gia đình vay vốn mua 15 thùng ong mật về nuôi thử. Vừa làm, vừa học, tìm hiểu thị trường và tích lũy lưng vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, sau hơn 5 năm phát triển nghề nuôi ong, gia đình ông đã có 160 thùng ong mật. Hiện, trung bình mỗi năm gia đình ông thu được từ 4 – 5 tạ phấn hoa và gần 2 tấn mật, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

    Khác với CCB Lường Văn Lún, CCB Đinh Bá Sim, ở chi hội bản Tân Ngam lại chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau 5 năm gây dựng mô hình, đến nay gia đình CCB Đinh Bá Sim đã có 200 m2 chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm. Hiện thu nhập từ chăn nuôi cho gia đình ông khoản lãi dòng trên 50 triệu đồng/năm.

    Có thể nói, từ sự nỗ lực của các CCB và sự hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế của toàn thể hội viên CCB trong toàn xã mà đời sống của hội viên CCB đã được nâng lên rõ rệt. Toàn xã có 30% hộ gia đình CCB có kinh tế khá, giàu và chỉ có 1 hộ CCB nghèo do già yếu không có khả năng lao động, sống dựa vào con cháu và tiền trợ cấp của xã hội.Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã tạo nên sự gắn kết trong hội viên, giữa hội viên với tổ chức hội, thu hút CCB vào hội ngày càng đông. Sự quan tâm, tin tưởng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với tổ chức hội CCB ngày càng được khẳng định, uy tín của tổ chức hội ngày càng được nâng cao.

    Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội CCB xã Núa Ngam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, động viên, khuyến kích hội viên đẩy mạnh tăng gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời động viên hội viên tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương./.

  • Tác giả: Phạm Thọ - Đài TT-TH huyện Điện Biên
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: