|
Thực hiện Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, với mục đích tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và tạo việc làm. Những năm qua, nguồn vốn cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên triển khai trong thời gian qua luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt là bà con Nhân dân trên địa bàn và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, qua đó góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Đến ngày 31/8/2021, tổng dư nợ đạt 10,2 tỷ đổng với 235 khách hàng đang còn dư nợ với đối tượng vay vốn là người lao động, doanh số cho vay hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng; qua đó đã góp phần thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở vùng nông thôn có mức thu nhập ổn định.
Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế. Trong những năm qua, xã Noong Luông huyện Điện Biên đã làm tốt công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để tập trung đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Cà Văn Tranh - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Noong Luống chia sẻ: Để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Vì vậy đã chỉ đạo các tổ chức hội đoàn thể chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện để hỗ trợ cho vay 31 hộ vay vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng. Vốn vay được các hộ được vay đã đầu tư vào mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt và mua máy móc sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh … nguồn vốn đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.
Mô hình trông cây Măng Tây của gia đình ông Nguyễn Đức cậy Thôn A1 xã Noong Luống – huyện Điện Biên.
Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như mô hình trồng ổi của gia đình anh Đinh Công Lượng, ở thôn Tiến Thanh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên là một trong nhưng mô hình phát huy hiệu quả từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Trước kia gia đinh anh trồng chủ yếu là lúa. Năm 2020 gia đình anh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 36 triệu từ nguồn vốn cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế. Với số vốn vay này cộng với nguồn vốn tự có của gia đình, anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng 700 cây Ổi Lê đài loan. Qua thời gian trồng và chăm sóc, đến nay vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, gia đình anh còn đầu tư mô hinh nuôi gà thương phẩm.., thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 150 triệu đồng.
Anh Đinh Công Lượng với mô hình trồng Ổi Lê đài loan.
Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng vốn vay có hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên đã phối hợp với phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện, các tổ chức hội nhận ủy thác cấp huyện thực hiện triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn và Ban quản lý tổ để tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, tuyên truyền xuất khẩu lao động và vay vốn tạo việc làm tại các xã trên địa bàn huyện; triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn của ngành đến các xã về cho vay từ qũy quốc gia về việc làm ngay tại các buổi giao dịch và niêm yết công khai tại điểm giao dịch cũng như công bố công khai bộ thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH huyện; chú trọng công tác kiểm tra đặc biệt là việc kiểm tra sau khi cho vay để nắm bắt việc sử dụng vốn vay qua đó đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích có hiệu quả; làm tốt công tác thu hồi nợ để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, kịp thời tham mưu cho Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện phân bổ nguồn vốn vay đến các xã trên địa bàn ngay khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh giao.
Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay từ chương trình cho vay tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã và đang triển khai thực sự đi vào cuộc sống; đặc biệt tại các vùng nông thôn và người có thu nhập thấp, qua đó góp quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo của địa phương.