|
Dự buổi họp báo có đồng chí: Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên; Đặng Hải Triều - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hùng Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Bùi Hải Bình – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; cùng các đồng chí Lãnh đạo UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Lãnh đạo các phòng, cơ quan thuộc huyện và đại diện các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
(Các đại biểu dự cuộc Họp báo)
Những năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen về thiên tai, dịch bệnh, đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội (KT-XH) của huyện Điện Biên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết, đồng lòng, của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện; các lĩnh vực KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn huyện tiếp tục có những kết quả khá tích cực, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng vần duy trì được mức tăng trưởng, đa số chi tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được quan tâm, thực hiện kịp thời. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được huyện tích cực, đẩy mạnh triển khai thực hiện; tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn; đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 4.16 so với năm 2021).
(Đ/c Bùi Hải Bình – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc và triển khai một số nội dung tại phiên Họp báo)
Nhằm tiếp tục thông tin đến các cơ quan báo chí, tăng cường tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa, kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là Dự án dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản do cộng đồng dân cư đề xuất. Ngày 10/01, UBND huyện Điện Biên tổ chức Họp báo cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí về kết quả triển khai dự án nêu trên.
(Đ/c Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện thông qua báo cáo tại phiên Họp báo)
Tại buổi họp báo, đồng chí Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên đã thông tin về kết quả thực hiện các dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản do cộng đồng dân cư đề xuất năm 2023 trên địa bàn huyện. Theo đó, sau 03 năm triển khai thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc do một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, ... Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023, Cục Chăn nuôi ban hành văn bản số 668/CN-GVN ngày 15/8/2023; UBND huyện Điện Biên đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, phấn đấu để người dân được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước. Để thực hiện nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho người dân đảm bảo hiệu quả, đúng các quy định hiện hành; UBND huyện, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG, cùng với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thuộc huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng nội dung. Đồng thời ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện.
Để thực hiện nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho người dân theo nguồn vốn sự nghiệp các chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025, 18/21 xã trên địa bàn huyện đã ban hành quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện tổng số 88 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, trong đó có 86 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Đến nay, đã có 85/86 cộng đồng lựa chọn đơn vị cung ứng và thực hiện cấp phát con giống cho các hộ dân tham gia dự án theo Quy định. Số lượng con giống gia súc đã cấp phát là hơn 2.160 con bò, thời gian bảo hành con giống là 30 ngày. Trong đó: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 20 dự án. Số lượng hộ dân được hỗ trợ là 457 hộ, số lượng bò giống hỗ trợ là 549 con. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi: 65 dự án. Số lượng hộ dân được hỗ trợ: 1.200 hộ; số lượng con giống hỗ trợ hơn 1.611 con.
Về chất lượng con giống: UBND huyện đã tổ chức Đoàn kiểm tra thực tế việc thực hiện dự án tại một số cộng đồng thuộc xã Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Yên, Noong Hẹt. Qua kiểm tra cho thấy đang có những tồn tại, hạn chế về hồ sơ, chất lượng con giống chưa đảm bảo về trọng lượng, độ tuổi, một số có biểu hiện lạ nước, kém ăn, một số con bị tiêu chảy dẫn đến tình trạng gầy, suy nhược, yếu. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cộng đồng dân cư để đánh giá cụ thể, trên cơ sơ đó, sẽ yêu cầu đơn vị cung ứng thực hiện đúng, đầy đủ cam kết về bảo hành con giống đối với những con giống không đủ tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định.
(Các đồng chí phóng viên, cơ quan báo chí đặt câu hỏi, trao đổi thông tin tại phiên Họp báo)
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử; các ấn phẩm báo chí trong tỉnh và các cơ quan báo chí trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận nỗ lực của huyện và các địa phương trong quá trình triển khai các dự án. Đồng thời, đề nghị cung cấp thêm một số nội dung về chất lượng, giá con giống; trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp cung cấp bò giống, năng lực trong quá trình thực hiện dự án; vai trò của cơ quan chuyên môn và người dân trong quá trình triển khai, thực hiện dự án...
Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, các cơ quan chuyên môn có liên quan đã trả lời, cung cấp thông tin, làm rõ các nội dung các phóng viên, các cơ quan báo chí quan tâm; đồng thời còn một số nội dung sẽ lời đầy đủ bằng văn bản đến các cơ quan báo chí trước 31/01./.