|
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gọi tắt là Chương trình (OCOP) đang được xem là "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất cho mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Tại huyện Điện Biên, Chương trình này được kì vọng sẽ thổi luồng gió mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Để chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" mang lại hiệu quả, huyện Điện Biên ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị. Năm 2020, Điện Biên có 5 sản phẩm được đánh giá xếp hạng. Trong đó, 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao là mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ; 3 sản phẩm 3 sao là gạo Tâm sáng – Séng cù, gạo Tâm sáng – Tám thơm và gạo tám thơm Thiên bản. Từ kết quả đạt được kể trên, năm 2021, huyện Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP đến đông đảo nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại các xã để có nhiều sản phẩm tham gia OCOP.
Từ lâu, người dân đã sử dụng rượu gạo là một trong những loại đồ uống truyền thống cho các dịp lễ, tết, đoàn tụ gia đình, cưới hỏi…. Trải qua nhiều năm, sản phẩm rượu nói chung, rượu gạo nói riêng đã trở thành nét văn hóa đặc chưng của mỗi vùng, miền. Nhận thấy tiềm năng phát triển, đồng thời mong muốn hương vị rượu gạo được chiết xuất từ hạt gạo gieo trồng trên cánh đồng Mường Thanh được lan tỏa đi khắp các vùng miền của tổ quốc, gia đình chị Nhâm – Chủ cơ sở sản xuất Rượu nếp 27, ở đội 2, xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã bỏ ra gần 700 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng để sản xuất rượu theo quy trình khép kín, như: nấu cơm bằng nồi hơi, lên men, chưng cất; lọc, tách Andehyt, Metanol, kim loại nặng và các tạp chất độc hại có trong rượu được thực hiện hoàn toàn tự động bằng các loại máy móc. Với quy trình xử lý tiên tiến tuân thủ nghiêm ngặt quy định đảm bảo an toàn trong chế biến thực phẩm, nên Rượu 27 không gây đau đầu, buồn nôn hay háo nước, đào thải nhanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Với tâm niệm, mỗi chai Rượu 27 bán ra, thị trường sẽ bớt đi 1 chai rượu kém chất lượng. Rượu nếp 27 đang hàng ngày nỗ lực mang tới khách hàng loại rượu nếp thơm ngon hảo hạng, không gây hại sức khỏe người tiêu dùng, là một thức đồ uống đậm đà bản sắc truyền thống. Ngoài ra để đảm bảo sản phẩm ngày càng vươn xa, cơ sở sản xuất Rượu nếp 27 của hộ gia đình Trần Đại Dũng – Đinh Thị Hồng Nhân đã không ngừng thay thế, cải thiện mẫu mã bao bì của sản phẩm để đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, xây dựng website quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Và chính bằng tình yêu với nghề, cộng với sự đầu tư bài bản, đúng hướng, tháng 9/2021 sản phẩm Rượu nếp 27 của hộ gia đình Trần Đại Dũng – Đinh Thị Hồng Nhân đã được Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn huyện Điện Biên đánh giá là 1 trong 8 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 và được Hội đồng thẩm định, chấm điểm OCOP huyện Điện lựa chọn là 1 trong 4 sản phẩn đạt OCOP 3 sao năm 2021. Đây là cơ hội để thương hiệu Rượu nếp 27 tiếp tục hoàn thiện về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm tạo chỗ đứng vững chắn trên thị trường.
Theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, hiện nay huyện Điện Biên tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX, các xã kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông – lâm - thủy sản là lợi thế của các địa phương. Tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP theo đúng quy định về xây dựng bao bì, tem, nhãn mác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, chủ thể xây dựng sản phẩm và công nhận khi sản phẩm đã được đánh giá. Đồng thời, hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả, thời gian tới, các xã và nhất là các HTX, doanh nghiệp, chủ cơ sở chế biên thực phẩm cần chú trọng hơn nữa từ khâu lựa chọn, chế biến và bảo quản sản phẩm; đổi mới tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của huyên tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân./.