|
Huyện Điện Biên là nơi sinh sống của 08 dân tộc anh em với nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc dân tộc; Với các di tích lịch sử nằm trong quần thể Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ và những danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, các điểm văn hóa, tâm linh, các bản văn hóa du lịch… là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan và trải nghiệm.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả quan trọng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội lịch sử, lễ hội dân gian truyền thống thường xuyên được tổ chức, phong trào văn hóa cơ sở phát triển mạnh và hoạt động ngày một đổi mới. Với mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, với những điệu múa xòe, múa sạp, múa khăn, múa nón, các làn điệu dân ca, hát đối hát giao duyên… dân tộc Mông với Khèn Mông, sáo Mông, múa ô, hát ống, hát đối, dân tộc Lào với Khèn bè, lăm vông… dân tộc Khơ Mú có Tăng bu, tăng bẳng, sà kẹp… dân tộc Kinh có hát quan họ, chèo... đã được khảo sát, nghiên cứu để xây dựng đội ngũ cộng tác viên, các nghệ nhân với tâm huyết truyền dạy. Trong sự phát triển hiện nay có nhiều luồng văn hóa du nhập cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự giao thoa văn hóa của các dân tộc nhưng huyện Điện Biên đã có nhiều cách làm hay hiệu quả để thực hiện Bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với phát triển Du lịch góp phần thức đẩy phát triển Kinh tế - xã hội đảm bảo Quốc phòng an ninh trên địa bàn.
(Vòng xòe và múa Sạp trong Lễ công bố di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia - Ngày hội VHTT&DL huyện Điện Biên)
Cùng với việc Duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc gắn với Lễ hội lịch sử Thành Bản Phủ; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông… được tổ chức thường xuyên. Huyện Điện Biên đã quan tâm chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động Bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ Di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng đang từng bước được khai thác, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân các dân tộc tiêu biểu đó là Lễ hội Cầu mưa (Dân tộc Lào, Khơ Mú), Lễ hội Mừng lúa mới (Dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái) Lễ Xên bản (Dân tộc Thái); Giao lưu văn nghệ tại các bản văn hóa du lịch và các trò chơi dân gian dân tộc, nghệ thuật dân gian truyền thống như hát đối, hát giao duyên, hạn khuống, xòe cổ dân tộc Thái...
Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương và sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân trên đại bàn toàn huyện. Năm 2016- 2017 Huyện Điện Biên đã có 3 di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia đó là Lễ hội Thành Bản Phủ, di sản Nghệ thuật Xòe Thái và Tết Té nước dân tộc Lào. Hiện nay huyện tiếp tục kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với Di sản "Lễ hội Tra hạt" dân tộc Khơ Mú; "Lễ hội Cầu mưa" dân tộc Lào, dân tộc Khơ Mú; di sản "Hội ném còn"dân tộc Thái, "Ném Pao, Đánh Tulu" dân tộc Mông. Lễ hội Tết hoa dân tộc Cống..
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu đại diện cộng đồng các dân tộc huyện Điện Biên. Một không gian văn hóa lớn được cộng đồng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, sự đậm đà màu sắc của văn hóa các dân tộc được lan tỏa và gìn giữ. Kết hợp với Quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, Điện Biên sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du khách mọi miền đất nước đến tham quan du lịch, để được trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, khám khá chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp với nét đẹp cuộc sống bình dị, thân thiện của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Tương lai không xa, Điện Biên sẽ trở thành huyện điểm văn hóa miền núi biên giới vùng Tây Bắc với sự hào hùng của vùng đất lịch sử, nét đẹp đặc sắc văn hóa vùng biên cương.