|
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên (NHCSXH) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003. Trải qua 20 năm hoạt động luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới quy trình nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, trong đó không thể không nhắc đến mô hình giao dịch tại xã, là 1 sản phẩm đặc thù riêng chỉ có ở NHCSXH. Hệ thống điểm giao dịch xã của NHCSXH đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “Phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. NHCSXH huyện Điện Biên đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã thành lập 391 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổ chức 21 điểm giao dịch xã theo lịch cố định hàng tháng (kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ), hoạt động theo đúng hướng dẫn của NHCSXH Trung ương.
Để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên phối hợp bố trí các biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng thông tin, bảng niêm yết công khai các thủ tục giải quyết công việc, bảng nội quy giao dịch và hòm thư góp ý. Tại phiên giao dịch, hội đoàn thể nhận ủy thác tham dự để hướng dẫn, đôn đốc các Tổ TK&VV đến giao dịch đúng giờ, giao dịch đúng theo quy trình, chứng kiến quá trình giải ngân và tham gia họp giao ban.
Cán bộ NHCSXH huyện thực hiện giao dịch tại xã
Các thành viên của Tổ giao dịch xã được phân công thực hiện đúng quy trình, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ như: máy tính xách tay, máy in, camera quan sát, máy đếm tiền, máy soi tiền, thùng tôn…đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, hiệu quả và cán bộ giao dịch xã luôn ứng xử văn minh, lịch sự. Đến 30/06/2022 chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã đạt 98/100 điểm, xếp loại tốt, trong đó: tỷ lệ Tổ TK&VV tham gia giao dịch xã đạt 100%, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 99,8%, tỷ lệ thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt 100%, tỷ lệ thu nợ gốc tại điểm giao dịch xã đạt 96%.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện Điện Biên cho biết thêm “để hoạt động của các điểm giao dịch xã ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, thời gian tới NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo các xã ưu tiên tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động giao dịch tại xã, sắp xếp thời gian tham dự họp giao ban; thường xuyên rà soát các biển, bảng tại điểm giao dịch đảm bảo cập nhật kịp thời các văn bản, quy định mới; phát huy vai trò giám sát nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động”.