|
Huyện Điện Biên hiện có 390 Tổ TK&VV, trong đó Hội Phụ nữ quản lý 93 tổ, Hội Nông dân quản lý 109 tổ, Hội Cựu chiến binh quản lý 89 tổ, Đoàn Thanh niên quản lý 99 tổ; bình quân mỗi tổ có 32 tổ viên. Dư nợ bình quân hơn 1,79 tỷ đồng/tổ. Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cùng giúp đỡ, sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm theo quy định. Ban Quản lý tổ có nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai những hộ có đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, có sự quản lý, hướng dẫn, giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và phê duyệt của UBND cấp xã về đối tượng vay vốn.
Cán bộ NHCSXH phối hợp cùng BQL tổ TK&VV đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay
Tổ TK&VV bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa do chị Cầm Thị Tâm làm tổ trưởng có 47 tổ viên. Nhu cầu của các hộ chủ yếu cần vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi. Tổng dư nợ hiện tại của tổ là 3.079 triệu đồng. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, chị Cầm Thị Tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; đôn đốc các hộ vay trả lãi đúng hạn, đồng thời tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Từ nguồn vốn vay, đã có nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống như các hộ vay: Cầm Thị Diên, Vì Thị Diêu, Lò Văn Long…
Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các Tổ TK&VV là một bộ phận không thể thiếu trong mô hình hoạt động triển khai tín dụng chính sách. Hoạt động của các Tổ TK&VV có tính chất quyết định đến chất lượng tín dụng trên địa bàn, vì vậy, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hằng tháng, NHCSXH huyện phối hợp thực hiện rà soát, chấm điểm phân loại làm cơ sở cho việc sắp xếp, củng cố lại các Tổ TK&VV hoạt động yếu kém. Theo đánh giá, năm 2022, toàn huyện Điện Biên có 361 tổ xếp loại tốt, 22 tổ xếp loại khá, 8 tổ xếp loại trung bình, không có tổ hoạt động yếu kém. Doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 255.442 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 652.448 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31/12/2021 là 113.443 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng 21,04%. Đạt được kết quả này có vai trò rất quan trọng của các Tổ TK&VV.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, xuất phát từ chính nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người dân, Ban Giám đốc thường xuyên tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra thực tế nguồn vốn vay của các xã. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các Tổ TK&VV tổ chức bình xét, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn đảm bảo chặt chẽ, đúng, đủ theo quy định; thực hiện quản lý vốn thường xuyên, tăng cường thăm nắm thông tin, kiểm tra, giám sát các hộ sử dụng vốn vay sau giải ngân đảm bảo đúng mục đích.
Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách, góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.