CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
  • Thời gian đăng: 31/05/2016 03:06:25 PM
  • ĐBP - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM đúng lộ trình thì vẫn đang là “bài toán khó” cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã miền núi nghèo như Mường Nhé.

  • Đến nay, xã Mường Nhé đã hoàn thành 7/19 tiêu chí về xây dựng NTM, gồm: Tiêu chí số 1 về quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tiêu chí số 3 về thủy lợi; tiêu chí số 4 về điện; tiêu chí số 5 về trường học; tiêu chí số 7 về chợ nông thôn; tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiêu chí số 19 về an ninh trật tự - xã hội. Ông Chu Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: “Chính quyền địa phương và nhân dân gặp nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành 12 tiêu chí NTM còn lại. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn. Tiêu chí này rất khó thực hiện nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước”.

    TS2824-3-.jpg

    Đường vào UBND xã Mường Nhé được bê tông hóa bằng nguồn vốn lồng ghép.

    Địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt khiến xã Mường Nhé gặp nhiều khó khăn trong việc cứng hóa đường giao thông nông thôn. Toàn xã mới có khoảng 48/400km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, còn lại đều là đường đất, đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa. Giai đoạn 2016 – 2020, xã Mường Nhé quyết tâm hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Đây là nhiệm vụ rất khó khăn song chính quyền xã đang cố gắng huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình để thực hiện, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, tại điểm bỏ phiếu bản Nậm Là, cán bộ xã phải mất hơn 1 ngày mới đưa hòm phiếu về đến xã do trời mưa, đường khó đi”, ông Sâm chia sẻ.

    Để thực hiện thành công tiêu chí số 2 về giao thông cần hội tụ đủ 2 yếu tố: Nguồn vốn và sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này xã Mường Nhé đều chưa đạt được. Mỗi năm, xã Mường Nhé chỉ được phân bổ khoảng 300 – 400 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM, còn lại là vốn từ các chương trình lồng ghép. Năm 2015, xã chỉ được phân bổ 80 triệu đồng để xây dựng NTM. Về phía người dân vẫn chưa thực sự đồng thuận trong xây dựng NTM nên chưa tự nguyện hiến đất, góp ngày công. Điển hình, năm 2012, xã Mường Nhé xây dựng 2km đường bê tông vào bản Mường Nhé. Trong quá trình thi công phải dừng lại 2 – 3 lần vì vướng vào đất vườn của 4 hộ dân. Sau đó, chính quyền xã phải mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động thì công trình mới tiếp tục được thi công. Được biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, xã Mường Nhé thực hiện bằng 100% nguồn vốn Nhà nước, không có vốn xã hội hóa.

    Không chỉ loay hoay với tiêu chí giao thông nông thôn, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo cũng là những khó khăn với xã Mường Nhé. Hiện nay, sản lượng lương thực bình quân của xã đạt 450kg/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47%. Cái khó trong thực hiện các tiêu chí này là 100% người dân sống nhờ vào nông nghiệp, chủ yếu sản xuất, canh tác trên nương; chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và hay bị dịch bệnh. Để nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo, từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã đã đề nghị các phòng chuyên môn của huyện mở các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Năm 2015, xã Mường Nhé triển khai 6 lớp dạy nghề về: Trồng rau sạch, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi thủy sản… Tuy nhiên, sau khi kết thúc mô hình, khóa học, người dân lại không “mặn mà” để phát triển mở rộng; ít vận dụng các kiến thức được học vào thực tế sản xuất. Do đó, hiệu quả không cao, mục tiêu về tăng thu nhập, giảm nghèo khó thực hiện. Chủ tịch UBND xã Chu Văn Sâm chia sẻ thêm: Đào tạo, tập huấn thì nhiều, song bà con vận dụng vào thực tế còn rất hạn chế. Tháng 8/2015, chính quyền xã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức cho 25 lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động sang Lào với chi phí thấp, hưởng lương cao song chỉ được thời gian ngắn thì người lao động bỏ về gần hết.

    Xã Mường Nhé là 1 trong 20 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM, mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành 19/19 tiêu chí về NTM. Tuy nhiên, với những vướng mắc hiện tại thì xã Mường Nhé rất khó để hoàn thành mục tiêu đúng lộ trình.

  • Tác giả: Bài, ảnh: Phạm Trung
  • Các tin bài khác:
  • Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên tổ chức phiên họp tháng 10 năm 2023.
  • Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân huyện Điện Biên (Kỳ họp chuyên đề)
  • HUYỆN ĐIỆN BIÊN PHÁT ĐỘNG ỦNG HỘ QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO NĂM 2023
  • SƠ KẾT THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “VẬN ĐỘNG HỖ TRỢ LÀM NHÀ ĐẠI ĐOÀN KẾT CHO HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO HUYỆN ĐIỆN BIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954-07/5/2024)”
  • HUYỆN ĐIỆN BIÊN TỔ CHỨC GIẢI CẦU LÔNG MỞ RỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982-20/11/2023)
  • NHCSXH HUYỆN ĐIỆN BIÊN TẬP TRUNG TOÀN LỰC GIẢI NGÂN VỐN VAY THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP
  • Chương trình trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
  • Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên tổ chức hỗ trợ tặng thẻ BHYT cho nhóm đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn tại các trường tiểu học.
  • Phát huy vai trò của các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện
  • Huyện uỷ, HĐND&UBND huyện chúc mừng kỷ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2023
  • 1691-1700 of 2088<  ...  165  166  167  168  169  170  171  172  173  174  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: