|
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa đã dũng cảm, kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Nhờ đó, văn hóa cách mạng theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng đã cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", đội ngũ cán bộ văn hóa - văn nghệ trong ngành Văn hóa - Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”, cùng với Nhân dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ của ngành văn hóa thông tin đã một lòng vì nước, xả thân ngoài trận địa để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Trang sử hào hùng của dân tộc càng được tô đậm hơn với biết bao mồ hôi và máu của hàng ngàn chiến sĩ văn hóa đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa- Thông tin càng có nhiều khó khăn thử thách hơn. Song, chúng ta quyết tâm tăng cường sự quản lý, năng động và sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh, đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại.
Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững; trong tình hình mới hiện nay, công tác tư tưởng- văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- văn hóa luôn gay go và phức tạp. Do đó, càng đòi hỏi những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa, thông tin phải thấm nhuần sâu sắc đường lối của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm vững nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thực tiễn cuộc sống và cách mạng đang vận động và phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức một cách khoa học, đúng đắn, khắc phục những lệch lạc, sai sót về tư tưởng, phấn đấu xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
75 năm đã trôi qua, sự nghiệp văn hóa thông tin luôn được sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước; sự ủng hộ của các ban, ngành đoàn thể và quần chúng Nhân dân. Từ những ngày đầu còn non trẻ đến sự trưởng thành vững mạnh như hôm nay, những cán bộ văn hóa thông tin luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, xứng đáng là người xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa 8 về “ Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước với nội dung tiên quyết: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước". Trong những năm qua, ngành văn hóa thông tin huyện Điện Biên đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong việc tuyên truyền cổ động các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được giao; tích cực tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo, các Chương trình hành động, Nghị quyết chuyên đề và Kế hoạch thực hiện về Lĩnh vực VHTTDL, cụ thể hóa các nhiệm vụ bằng các hoạt động thiết thực, trú trọng tăng cường công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá; làm tốt công tác Bảo tồn văn hóa, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các hoạt động nghệ thuật; đồng thời, chọn lọc, tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến, tập trung xây dựng vè hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Kết quả các hoạt động VHTT của huyện trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện nhà.
Nổi bật trong thời gian qua là việc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình XD NTM được tập trung chỉ đạo, toàn huyện có 220/275 thôn bản được công nhận thôn, bản văn hóa, 98% cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa, 73,48% gia đình văn hóa, 13/21 xã đạt chuẩn NTM (trong đó 6 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới).
Giai đoạn 2016-2020 huyện Điện Biên đã tập trung lãnh đạo,chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, Chương trình hành động của Đảng về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - thông tin được triển khai thực hiện hiệu quả; các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao, truyền thanh truyền hình được duy trì sôi nổi đảm bảo nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân; Việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch được quan tâm; chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương; công tác bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa, phục dựng các Lễ hội dân gian các dân tộc Thái, Mông, Lào, Cống, Khơ Mú thực hiện đạt nhiều kết quả. Huyện đã có 4 di sản được ghi vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia, 8 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú;
Hạ tầng bưu chính, viễn thông, truyền thanh, truyền hình, các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục được đầu tư, phát triển; 100% xã có dịch vụ bưu chính; tỷ lệ phủ sóng Đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%, đài địa phương đạt 100%, truyền hình đạt 95%; đến năm 2020 ước đạt 158 nhà văn hóa (trong đó: 01 nhà văn hóa cấp huyện, 7 nhà văn hóa xã, 150 nhà văn hóa thôn, bản); có 08 xã có sân vận động, 18/21 điểm Bưu điện văn hóa; các sản phẩm Du lịch mang đậm bản sắc văn hóa tiêu biểu gắn với sản phẩm nông nghiệp đang được hình thành trong đó có 5 bản văn hóa duy trì tốt các hoạt động văn hóa truyền thống, ẩm thực thu hút đông đảo du khách tới tham quan và giao lưu trải nghiệm văn hóa các dân tộc. Hoạt động tuyên truyền luôn được đổi mới thông qua các hoạt động chuyên môn Văn hóa, tuyên truyền cổ động, hệ thống tin bài trên Trang Thông tin điện tử, Đài truyền thanh truyền hình, các kịch bản, bài tuyên truyền của Đội Tuyên truyền lưu động, đội văn nghệ cơ sở.. luôn luôn phản ánh và chuyển tải lượng thông tin kịp thời đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, các sự kiện Văn hóa Du lịch, các Lễ hội truyền thống luôn được thường xuyên tổ chức mang lại không khí vui tươi phấn khởi và thu hút đông đảo nhân dân tham gia và dần đã trở thành sản phẩm Du lịch tiêu biểu của Huyện Điện Biên góp phần tích cực cho sự Phát triển Kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng An ninh của Huyện Điện Biên và Tỉnh Điện Biên.
Hiện nay, sự nghiệp văn hóa thông tin của đất nước ta không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh hơn về thiết chế, về tổ chức, về trình độ quản lý, về hoạt động nghiệp vụ và đạt được thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Theo dòng thời gian, tất cả đều đã, đang và sẽ thay đổi; những gì còn lại là văn hóa. Văn hóa trong mọi di sản vật thể và phi vật thể, và trong mỗi con người, trong cả dân tộc Việt Nam ta.Có thể khẳng định rằng, Văn hóa là vũ khí sắc bén của Đảng, cổ vũ toàn dân bài trừ các tệ nạn xã hội, tránh xa lối sống đi ngược với xu thế văn minh thời đại, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa Huyện Điện Biên với những tâm thế mới, quyết tâm vượt mọi khó khăn, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.