|
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Điện Biên hiện có đàn trâu trên 25.000 con, đàn bò có trên 12.000 con, đàn lợn khoảng gần 30.000 con. Để đảm bảo công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, trước khi bước vào mùa đông, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống rét cho gia súc, gia cầm đến 21/21 xã. Theo đó, UBND các xã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò như: không được thả rông gia súc; không sử dụng sức kéo của trâu, bò vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp; hướng dẫn hộ chăn nuôi che chắn, sửa chữa hoặc làm mới chuồng trại đảm bảo khô ráo, kín gió; phổ biến và hướng dẫn các kinh nghiệm chống rét bằng những vật liệu sẵn có như: củi, trấu; tích cực trồng cỏ nhằm chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông thiếu cỏ.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa đông năm nay rét hơn so với mọi năm, có thể có những đợt rét hại, rét đậm xảy ra vào cuối tháng 12 và tháng 1/2022. Để chủ động phòng chống đói, rét bảo vệ đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp như: chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt như: củi, trấu, mùn cưa để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Tăng cường bổ xung thức ăn tinh, thô như: cán gạo, cán ngô, rơm rạ khô, cỏ khô hoặc cỏ ủ chua, muối ăn, khoáng chất giúp vật nuôi tăng sức đề kháng. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nhất là đối với trâu bò già, yếu, gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường sức đề kháng với những điều kiện bất lợi về thời tiết. Cùng với đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, bệnh viên da nổi cục cho đàn gia súc theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
Có thể nói, chăn nuôi trâu, bò đã và đang là một thế mạnh của không ít địa phương, từ chăn nuôi đã giúp không ít hộ nông dân vươn lên thoát được đói, giảm được nghèo. Tuy nhiên, để chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững thì ngoài sự chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi cũng cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, có như vậy mới bảo đảm cho phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả và bền vững; đồng thời giúp tổng đàn gia súc của huyện được duy trì và phát triển ổn định./.