|
Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Pá Khoang huyện Điện Biên đã chỉ đạo nhân dân tập trung sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện thâm canh tăng vụ; tích cực tham gia các dự án phát triển nông lâm nghiệp.
Xã Pá Khoang, huyện Điện Biên có diện tích tự nhiên trên 5.700ha với gần 1.000 hộ, trên 4.300 nhân khẩu với 4 dân tộc: Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú sinh sống ở 21 bản. Là xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, kinh tế xã hội chậm phát triển, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng như kinh nghiệm thực tế và khả năng quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Trong khi đó, 98% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào canh tác ruộng nước, nhưng lại thiếu công trình thủy lợi kiên cố phục vụ trên 120ha lúa 2 vụ; trình độ sản xuất lạc hậu là những khó khăn trong phát triển kinh tế.
Để khuyến khích người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, từng bước vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Pá Khoang tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa bàn. Từ chỗ trước đây chủ yếu gieo cấy 1 vụ lúa, đến nay phần lớn người dân trong xã đã sản xuất 2 vụ lúa/năm. Trong đó, diện tích lúa chiêm: 124ha; lúa mùa 147ha. Ngoài ra, xã mở rộng diện tích trồng các loại cây khác như: sắn, ngô, đậu tương, lạc, dong riềng và rau màu. Từ các nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông, vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, những năm qua trên địa bàn xã được triển khai nhiều mô hình cây trồng, con giống đem lại hiệu quả kinh tế, như: Mô hình nông - lâm kết hợp, nuôi lợn rừng sinh sản, đậu tương cao sản, khoai tây chất lượng cao và mô hình cây ăn quả kết hợp với cây công nghiệp ngắn ngày. Qua đó, người dân trong xã được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng. Năm 2016 tổng sản lượng lương thực của xã đạt trên 1.840 tấn, tăng trên 290 tấn so với năm 2014; bình quân lương thực đạt 420kg/người/năm.
Cùng với tập trung sản xuất cây lương thực, chính quyền xã Pá Khoang cũng chú trọng phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những hướng đi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từ đó khuyến khích người dân chăn nuôi các loại gia súc phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện toàn xã có trên 1.300 con trâu, 450 con bò, 400 con dê, 4.100 con lợn và 20.000 con gia cầm các loại. Ngoài ra, xã Pá Khoang còn phát huy lợi thế khí hậu ôn hòa, mát mẻ để phát triển các loại cây ăn quả, như: đào, lê, mận. Từ mô hình thí điểm đào Pháp được triển khai tại bản Đông Mệt và bản Xôm với 2ha năm 2009, hiện nay diện tích đào, lê của toàn xã đã phát triển lên 19ha đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại xã.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 500 hộ và trên 230 hộ cận nghèo. Đảng bộ, chính quyền xã xác định: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất; dựa vào lợi thế rừng để phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng là giải pháp trọng tâm để xóa đói giảm nghèo; phấn đấu đến năm 2020 số hộ nghèo giảm còn 25%.