CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG Ở THANH LUÔNG
  • Thời gian đăng: 02/11/2021 05:23:04 PM
  • Ở khu vực lòng chảo, Thanh Luông là một trong 4 địa phương đứng đầu về sản xuất cây vụ đông của huyện Điện Biên và là địa phương đi đầu trong việc mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ. Với trên 320 ha đất canh tác lúa 2 vụ, những năm gần đây, Thanh Luông luôn duy trì hàng chục ha đất trồng cây vụ đông các loại. Để tiếp tục đưa vụ đông trở thành một trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Luông đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số, vòng quay của đất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Trong đó, tập trung vào những vùng đất có lợi thế, thích hợp cả cho trồng lúa và trồng màu để xây dựng thành những vùng sản xuất rau màu chuyên canh lớn. Với định hướng này, hàng năm Đảng uỷ xã đã chỉ đạo mỗi thôn, bản xây dựng một vùng chuyên canh rau màu tối thiểu từ 3 - 5 ha.

    SAN-XUAT-VU-DONG-O-THANH-LUONG0.jpg

    Gia đình anh Tòng Văn Thành, là một trong hàng chục hộ gia đình ở bản Ló, xã Thanh Luông thực hiện khá hiệu quả việc thâm canh cây trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Anh cho biết, với hơn 3.000m2 đất canh tác, hàng năm gia đình đều trồng 2 vụ lúa và một vụ mầu, thu nhập từ cây trồng vụ đông đạt 22 triệu đồng/vụ.

    Có thể nói, trong những năm qua việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã Thanh Luông đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Và chính từ sự chuyển đổi này, một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được nông dân đưa vào sản xuất đại trà theo hình thức chuyên canh, như: dưa leo, súp lơ, cà chua, khoai lang và khoai tây đông. Hình thức sản xuất chuyên canh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây vụ 3 trên đất lúa 2 vụ còn tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập.

    Bằng phương thức chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với điều kiện của địa phương, nên diện tích trồng cây vụ đông ở các thôn, bản trên địa bàn xã Thanh Luông không ngừng được mở rộng, hiệu quả kinh tế ngày một tăng cao. Cụ thể, nếu năm 2015, toàn xã chỉ trồng được 30 ha cây vụ đông, với giá trị sản xuất đạt được khoảng 36 triệu đồng/ha, thì đến 2020 diện tích sản xuất vụ đông đã tăng lên 65ha, giá trị sản xuất đạt 51 triệu đồng/ha. Vụ đông năm nay, Thanh Luông thực hiện trồng trên 72ha cây rau màu vụ đông các loại, trong đó có 30ha sản xuất cây ngô đông, 7ha dưa leo, 25ha khoai lang và khoai tây đông, diện tích còn lại trồng rau màu, đậu đỗ các loại.

    Xác định tầm quan trọng của sản xuất vụ Đông, đảng ủy xã Thanh Luông đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây vụ 3 trên đất 2 vụ lúa; đồng thời giao các tổ chức hội, đoàn thể chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; hướng dẫn sử dụng phân bón cho các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của từng loại cây. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng, thường xuyên thăm đồng để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật hại. Hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp sạch.

    SAN-XUAT-VU-DONG-O-THANH-LUONG2.jpg

    Có thể nói, từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm nên đến nay KT-XH của xã Thanh Luông đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp đạt 12%/năm, chăn nuôi tăng trưởng từ 5 - 6%/năm. Số hộ nghèo giảm hàng năm từ 1,2 – 1,5%. Đến nay, Thanh Luông chỉ còn 5,6% số hộ nghèo. Kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận người dân đã được cải thiện và nâng lên. Diện mạo nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc.

    Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Thanh Luông tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm tới. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi mới, nâng cao giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp từ đó giúp nông dân yên tâm bám đồng, bám ruộng, vươn lên làm giàu ngay chính mảng đất quê hương./.

  • Tác giả: Phạm Thọ - Trung tâm VH-TT-TH huyện
  • Các tin bài khác:
  • Đồng chí Bí thư Huyện ủy dự kỳ họp thứ 8, HĐND xã Sam Mứn khóa XXI, nhiệm kỳ 2021- 2026
  • Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) và Nghị Quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/10/2008 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
  • Huyện Điện Biên tổ chức Tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức
  • Công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Điện Biên
  • NHCSXH huyện triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
  • Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên phát huy hiệu quả cơ chế ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
  • BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TẶNG 400 XUẤT QUÀ TẾT CHO HỘ NGHÈO XÃ NA TÔNG, HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2023
  • HỘI LHPN VIỆT NAM TRAO QUÀ “TẾT YÊU THƯƠNG – XUÂN QUÝ MÃO 2023” TẠI HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • HUYỆN ĐIỆN BIÊN: CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN ĐẾN CÁC THÔN, BẢN
  • 1461-1470 of 2088<  ...  142  143  144  145  146  147  148  149  150  151  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: