|
Lễ hội Tết té nước (Bu Huột Nặm) huyện Điện Biên năm 2025 được Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên tổ chức trong 02 ngày (12 – 13/4), tại khu vực Nhà Văn hóa, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam.
(Đại biểu về dự Lễ hội)
Dự Lễ hội Tết té nước có các đồng chí: Lò Thị Minh Phượng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Xuân Trường – Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thanh Chuyên – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh; cùng các đồng chí Lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.
(Đại biểu về dự Lễ hội)
Về phía huyện Điện Biên có các đồng chí: Cao Thị Tuyết Lan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Thái Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nông Quang Thắng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; cùng các đồng chí Lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện, UBND các xã thuộc huyện.
(Đồng chí Nông Quang Thắng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc)
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Nông Quang Thắng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Tết té nước (Bun huột nặm) tại xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên là một trong 9 di sản trên dịa bàn huyện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng thời, đồng chí khái quát mục đích, ý nghĩa của lễ hội, tầm quan trọng của việc tổ chức Lễ hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
(Nghi lễ cúng tại Tết té nước)
Dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam là một trong số các dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời trên địa bàn huyện Điện Biên. Dân tộc Lào chiếm 3,38% tổng dân số toàn huyện. Thường trong một năm, dân tộc Lào có nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức, trong đó nổi bật là Lễ hội Tết Té Nước (Bun Huột Nặm).
Nước trong quan niệm của người Lào là biểu tượng của sự tinh khiết, của sự sống. Vì vậy, nghi lễ té nước không chỉ để gột rửa những điều không may mắn, mà còn là cách gửi gắm lời chúc phúc tốt đẹp, cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc đến mọi người.
Tết té nước gắn với quá trình định cư, lập bản, được cộng đồng dân tộc Lào ở bản Na Sang 1 gìn giữ, bảo tồn từ hàng chục năm qua. Từ năm 2015, Tết té nước đã được các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân trong bản phục dựng lại, tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào nhằm góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống và trở thành nếp sống, phong tục của người dân nơi đây. Ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận Tết Té nước (Bun Huột Nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3421/QĐ-BVH-TT&DL.
Lễ hội Tết Té nước (Bun Huột Nặm) gồm 2 phần: phần Lễ và phần Hội.
(Bà mo – Người chủ lễ thực hiện nghi lễ cúng)
Phần Lễ gồm các hoạt động chính là Lễ cúng, nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may mắn, bình an cho dân bản và những người tham dự tại Tết Té Nước;
(Các đồng chí đại biểutham gia nghi lễ Buộc chỉ cổ tay cầu máy mắn)
(Người dân tham gia nghi lễ Buộc chỉ cổ tay cầu máy mắn)
Sau nghi lễ buộc chỉ cổ tay, Đoàn lễ do Bà mo – Người chủ lễ dẫn đầu sẽ đến từng nhà thực hiện nghi lễ xin nước mưa của Trời; sau đó di chuyển ra khu vực bờ sông, suối thực hiện Nghi thức cúng thần sông, thần suối, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu, bản làng bình yên, mọi người dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm tiếp theo.
(Đoàn lễ do Bà mo – Người chủ lễ dẫn đầu)
(Đoàn lễ thực hiện nghi lễ xin nước)
(Nghi lễ cúng tại bờ sông, suối)
Phần Hội gồm chương trình nghệ thuật với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, tiết mục ca múa ca ngợi Đảng, tình hữu nghị, đoàn kết Việt – Lào, những điệu dân vũ truyền thốngmang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào và các dân tộc trên địa bàn huyện; những trò chơi dân gia sôi nổi và hấp dẫn như: Tấu phắc sá - Táu la sa (Rùa ấp trứng), Xưa khốp mu (Hổ vồ lợn), Pít mắc tanh (Hái dưa chín)...;
(Trò chơi Tấu phắc sá - Táu la sa (Rùa ấp trứng))
Đây là thời điểm cả bản làng trở nên rộn ràng, tràn đầy tiếng cười, với sắc màu rực rỡ từ những bộ trang phục truyền thống và âm thanh rộn ràng từ khèn, trống.
Theo quan niệm của người Lào, tại Lễ hội càng được té nhiều nước, càng ướt thì càng được nhiều máy mắn.
(Người dân, du khách tham gia té nước)
Lễ hội Tết Té nước (Bun Huột Nặm) không chỉ là dịp để cộng đồng người Lào ở Điện Biên thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng, tăng cường tình nghĩa bản làng, giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Lễ hội còn thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách, trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của huyện Điện Biên.
Tại Tết Té Nước còn có không gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm văn hoá du lịch, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực dân tộc; các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương. Cùng với đó là trưng bày các vật dụng gắn với đời sống văn hoá, sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Lào trên địa bàn xã Núa Ngam.
Tết té nước của dân tộc Lào tại xã Núa Ngam đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển, sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Lào, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Trong những năm qua, huyện Điện Biên đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào Lào bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có Lễ hội Tết Té nước (Bun Huột Nặm). Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào ở huyện Điện Biên là một trong những lễ hội tiêu biểu, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần lạc quan, yêu đời của người Lào. Giữa không khí rộn ràng của ngày xuân, từng giọt nước mát lành chan chứa yêu thương không chỉ làm dịu đi cái nắng tháng tư mà còn gột rửa những điều cũ kỹ, để bắt đầu một năm mới tràn đầy niềm tin và hi vọng./.