|
(1) Căn cước điện tử là gì? Căn cước điện tử mang lại giá trị gì cho người dân, cơ quan, tổ chức?
- Điều 31 Luật Căn cước quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin, gồm:
+ Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9; khoản 2 và khoản 4 Điều 15;
+ Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
- Khoản 1 Điều 33 Luật Căn cước quy định Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
(2) Căn cước điện tử được sử dụng như thế nào?
Khoản 2 Điều 33 Luật Căn cước quy định trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
(3) Việc cấp căn cước điện tử được quy định như thế nào?
Khoản 5 Điều 31 Luật Căn cước giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử. Tại dự thảo Nghị định quy định về định danh, xác thực điện tử, Chính phủ quy định:
“Điều 28. Trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử
1. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02.
2. Cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an thông báo việc tạo lập căn cước điện tử cho công dân đồng thời với việc thông báo kết quả cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02.”