|
Cải cách tư pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng. Vì các cơ quan tư pháp là công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong những năm qua, cơ quan tư pháp của huyện Điện Biên luôn đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP
CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐIỆN BIÊN
Cải cách tư pháp là cải cách tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong đó có Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án... Cải cách tư pháp của Tòa án huyện Điện Biên có sự đổi mới về xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động. Đây là khâu đột phá quan trọng trong cải cách tư pháp vì trong hệ thống các cơ quan tư pháp, Tòa án đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phán quyết của Tòa án thể hiện kết quả cuối cùng của tiến trình tố tụng.
Tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của mỗi Quốc gia, qua đó nói lên chất lượng hoạt động, uy tín, tính chất hệ thống tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, để thực hiện thành công về tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ - BCT ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đảm bảo tính công khai, dân chủ, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tòa án nhân dân huyện Điện Biên đã có những giải pháp thông qua việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các phiên tòa xét xử; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu công tác; chăm lo bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phám, thư ký, hội thẩm… coi công tác này là khâu quyết định then chốt trong việc thực hiện thắng lợi tiến trình cải cách tư pháp đối với Tòa án nhân dân huyện Điện Biên giai đoạn 2010 - 2020.
Hàng năm, TAND huyện Điện Biên còn phối hợp với VKSND huyện, Công an huyện đưa những vụ án "Điểm" có tính chất phức tạp tổ chức phiên tòa xét xử mẫu, xét xử lưu động tại các xã thuộc huyện. Qua đó đã nâng cao năng lực áp dụng pháp luật, đề xuất sáng kiến của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đảm bảo tính công khai, dân chủ, từ đó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Việc đưa những vụ án "điểm", xét xử lưu động đã tạo điều kiện để mọi người dân tham gia theo dõi, giám sát trực tiếp vào hoạt động xét xử của tòa án. Các bản án được xử đúng người, đúng tội, cùng với phán quyết công bằng là biện pháp hữu hiệu để tạo động lực giúp nhân dân hiểu và tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quy tắc xử sự trong đời sống cộng đồng, giúp người dân sống, làm việc có những xử sự phù hợp đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Từ đó góp phần phòng ngừa, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, kìm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn dân cư.
Trong những năm qua, để thực hiện thành công tiến trình cải cách tư pháp. TAND huyện Điện Biên đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành trọng trách mà Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đia bàn, tạo tiền đề cho địa phương phát triển và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.