CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • HUYỆN ĐIỆN BIÊN: 70 NĂM PHẤN ĐẤU - XÂY DỰNG - TRƯỞNG THÀNH
  • Thời gian đăng: 22/07/2020 10:02:18 AM
  • Điện Biên có tên từ thời Thiệu Trị nguyên niên (năm Tân Sửu 1841): Điện  là " vững", Biên là " Biên giới", Điện Biên là Biên giới vững vàng, cái tên huyền thoại đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một bản thiên anh hùng ca bất hủ, một địa danh đã từng làm lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Tuy còn bộn bề những khó khăn, thử thách, song  Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên đã và đang nỗ lực vươn lên trên con đường Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá để xây dựng huyện Điện Biên xứng danh với tầm vóc của mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng. Điện Biên phát âm theo tiếng Thái là "Mướng Then", Then là" Trời " , Mướng là " Mường" , Mướng Then nghĩa là "Mường Trời" hay "Đất Trời"; còn theo âm hán việt thì gọi là Mường Thanh.

    Nói đến huyện Điện Biên là nói đến  cánh đồng Mường Thanh, với diện tích  trên 4.000 ha, là cánh đồng rộng lớn nhất của vùng Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò , tam Than , tứ Tấc), với  các danh lam, thắng cảnh: động Pa Thơm, Suối khoáng nóng Hua pe, U Va, khu du lịch sinh thái Pá Khoang; các di tích lịch sử : Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ, Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và các cứ điểm : Đồi độc Lập, đồi Bản Kéo v.v... là những nốt son đậm nét, ghi nhận chiến công hiển hách của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên cương và những điệu múa xoè, hạn khuống giao duyên mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

    Từ một huyện trực thuộc tỉnh Lai Châu cũ, có diện tích tự nhiên 316.800 ha, dân số 136.000 người, gồm 20 dân tộc (68 % là dân tộc ít người). Qua các kỳ chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập Thị xã Điện Biên Phủ (1992), huyện Điện Biên Đông (1996), thị trấn huyện lỵ huyện Mường Lay (1998), thành phố Điện Biên Phủ (2003).  Đến nay, huyện Điện Biên trực thuộc tỉnh Điện Biên, sau khi chia tách bàn giao cho thành phố Điện Biên Phủ vào tháng 1/2020 (4 xã Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Tấu, Nà Nhạn và một phần diện tích, dân số của 2 xã Thanh Luông, Thanh Hưng)  huyện có diện tích tự nhiên  139.596 ha; Dân số gần 100.000 người. Là huyện biên giới Việt - Lào, có 21 đơn vị hành chính xã, có chung đường biên giới với tỉnh Phoong Sa Ly và tỉnh  Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào) dài 154 km, có  cửa khẩu Quốc tế Tây trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc và một số đường tiểu ngạch sang Lào.

    Đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên từ bao đời nay đã có tinh thần yêu quê hương đất nước, đánh giặc ngoại xâm và phong kiến để xây dựng và bảo vệ quê hương. Vào thế kỷ XIII, một công trình phòng thủ được các chúa Lự xây dựng ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Theo sách Hưng Hóa kỷ lược, tương truyền trong thành có 3 vạn cối giã gạo bằng guồng nước và chứa được 3 vạn dân đinh nên được gọi là thành Tam Vạn (tiếng Thái gọi là Sam Mứn). Trước những hành động dã man của giặc Phẻ, các thủ lĩnh châu mường đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vùng Mường Thanh nổi dậy chống lại song do thiếu sự liên kết giữa các vùng nên đều thất bại. Dưới sự lãnh đạo của hai thủ lĩnh Ngải và Khanh phong trào nổi dậy chống giặc Phẻ đã nổ ra rộng lớn và thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc cùng tham gia. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận, dồn quân giặc vào lòng chảo Mường Thanh. Năm 1754 Hoàng Công Chất, từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai thủ lĩnh Ngải và Khanh đã liên kết, phối hợp với nghĩa quân tổ chức tấn công thành Tam Vạn. Giặc Phẻ chống trả quyết liệt. Nghĩa quân Hoàng Công Chất và hai thủ lĩnh Ngải, Khanh được nhân dân ủng hộ đã chiến đấu dũng cảm và giành nhiều thắng lợi. Vùng đất Mường Thanh được giải phóng hoàn toàn vào năm 1754. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh chống phong kiến phản động, chống sự xâm chiếm của ngoại bang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong điều kiện chính quyền phong kiến thống trị thối nát đang từ bỏ ngọn cờ dân tộc. Năm 1858, thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam. Năm 1890 chúng chiếm được Lai Châu. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Lai Châu và Điện Biên đã không ngừng nổi dậy đấu tranh, tiêu biểu  là cuộc khởi nghĩa của Giàng Tả Chay  ở vùng cao Điện Biên vào tháng 10 - 1918.            

    Dưới thời phong kiến, Pháp thuộc, tại huyện Điện Biên đã có nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của các nhà yêu nước và thủ lĩnh châu mường song cuối cùng đều kết thúc trong sự đàn áp dã man của kẻ thù, nhiều người yêu nước đã hy sinh rất oanh liệt. Điều đó chứng tỏ rằng những cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc Điện Biên cũng như các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nói chung đều đứng trước sự bế tắc về đường lối, thiếu một tổ chức để lãnh đạo phong trào. Mặc dù bị thất bại, song các phong trào đó là những minh chứng lịch sử nói lên truyền thống yêu nước đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em miền xuôi và miền ngược đã cùng nhau đấu tranh kiên cường, bất khuất để chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.

    Cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên còn có tinh thần cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất và chiến đấu, đoàn kết đùm bọc thương yêu nhau tạo thành sức mạnh, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Trước cách mạng tháng Tám kinh tế của huyện Điện Biên hết sức lạc hậu, mang nặng tính tự cung tự cấp, chủ yếu sống bằng nghề nông, làm ruộng một vụ, làm nương rẫy và săn bắt, hái lượm... nên đời sống đồng bào khổ cực, hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi thực dân Pháp đến xâm chiếm ở Điện Biên công nghiệp không có gì, thương nghiệp chỉ mang tính trao đổi hiện vật, hoạt động chủ yếu bằng buôn bán hàng vặt được vận chuyển từ dưới xuôi lên với giá vô cùng đắt đỏ.

    Trên lĩnh vực kinh tế, ngoài ưu thế về sản xuất nông nghiệp, huyện đã chú ý phát triển cả kinh tế lâm nghiệp, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Năm 1995, tỷ lệ các ngành trong tổng sản phẩm GDP là: Nông- lâm nghiệp 70%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 10%; dịch vụ 20%. Năm 2003, cơ cấu các ngành tương ứng là 46%, 25% và 29%. Công nghiệp chủchủ yếu là sản xuất than, gạch, ngói, vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản; năm 2019, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 27,51%, khu vực Thương mại – dịch vụ đạt 37,86%, khu vực Công nghiệp – xây dựng đạt 34,63%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng (tăng 19 triệu đồng so với năm 2015); năm 2020, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 23,36%, khu vực Thương mại – dịch vụ ước đạt 41,55%, khu vực Công nghiệp – xây dựng ước đạt 35,09%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,7 triệu đồng. Là huyện có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, được xác định là huyện trọng điểm về kinh tế- xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực năm 1995 đạt trên 48.000 tấn, năm 2004 tăng lên 69.347 tấn, đến cuối năm 2019 đạt 95.016,57 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt trên 790kg/người/năm. Tổng giá trị sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.225 tỷ đồng; khu vực Công nghiệp – xây dựng  đạt 1.677 tỷ đồng.

     Về Văn hóa- xã hội: Tuy có những phong tục tập quán khác nhau song các dân tộc ở Điện Biên đều có chung đặc điểm đó là tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh cách mạng. Theo năm tháng, đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên đã hun đúc cho mình một bề dày truyền thống văn hóa độc đáo và phong phú. Hiện nay ở Điện Biên còn có các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc như thành Tam Vạn ( xã Sam Mứn), thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt)... Đặc biệt di tích lịch sử thành Bản Phủ là nơi ghi lại dấu tích người anh hùng dân tộc áo vải Hoàng Công Chất đã  cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên đứng lên đánh tan giặc Phẻ, mang lại hòa bình cho nhân dân Điện Biên. Đây cũng là nơi ghi lại truyền thống đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc để cùng tồn tại nơi mảnh đất vùng biên này.

    Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên, dân tộc Thái có nền văn hóa phát triển sớm và độc đáo. Người Thái có chữ viết riêng, thuộc hệ chữ phạn, đã ghi lại diễn biến, sự kiện về các lĩnh vực đời sống và các tác phẩm văn học có giá trị như: Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), Tản trụ xiết xương (Thương nhớ), trường ca Chương Han, chuyện kể bản mường... Những câu chuyện, những bài hát ấy đã phản ánh chân thực cuộc sống, tình yêu thiên nhiên đất nước, con người.. xứng đáng là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian.

    Bên cạnh các tác phẩm văn học được lưu truyền lại, đời sống văn nghệ và trang phục của nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên cũng có nhiều nét đặc sắc. Các điệu múa xoè, múa nón, múa sạp của người Thái cùng với các điệu múa ô, múa khèn của người Mông; múa trống, múa tăng bu của người Khơ Mú; múa lăm vông của người Lào… đều thể hiện sự duyên dáng, náo nức, rộn ràng trong các ngày lễ hội… Trang phục của các dân tộc với những đường nét thêu hoa văn tinh tế trên váy, áo, khăn piêu... đã góp phần làm phong phú nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của Điện Biên. Đến cuối năm 2019, 100% số xã của huyện Điện Biên đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình. Toàn huyện có 372/465 thôn, bản được công nhân văn hóa, 98,2% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận văn hoá, 71,15% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

    Trong lĩnh Giáo dục và Đào tạo: Trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên vừa nghèo khổ vừa sống trong tăm tối lạc hậu vì không được học hành. Thống trị Lai Châu từ năm 1890 song mãi đến năm 1922 thực dân Pháp mới cho xây dựng một số cơ sở y tế, giáo dục với quy mô nhỏ tại tỉnh lỵ và một vài huyện trong đó có huyện Điện Biên.  Huyện Điện Biên thời Pháp thuộc có một trường tiểu học dạy bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Khi "Xứ Thái tự trị" được thành lập (năm 1948), Pháp đã chủ trương không mở mang việc học hành ở Điện Biên nếu có thì bỏ dạy bằng tiếng Việt, thay thế bằng tiếng Thái. Đối tượng chủ yếu là con em tầng lớp trên, gia đình công chức, quan lại khá giả, số lượng đào tạo rất ít, con em lao động không đủ điều kiện để vào học. Chính vì vậy đa số nhân dân các dân tộc trong huyện đều bị mù chữ, đặc biệt là vùng cao. Bọn thống trị còn lợi dụng trình độ văn hóa thấp kém, nhận thức chậm của nhân dân mà cố duy trì, khuyến khích những tập tục lạc hậu của chế độ phong kiến làm cho người dân chỉ biết phục tùng sự bóc lột và cai trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến phìa tạo tay sai. Sau khi giải phóng Điện Biên, công tác giáo dục đã được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Phong trào bình dân học vụ đã phát triển ở 10 xã với 41 giáo viên. Đến tháng 8-1955 số lượng học sinh toàn châu đã có 877 em. Từ những hạt giống đầu tiên ấy, ngành giáo dục - đào tạo của huyện Điện Biên đã có những bước tiến vượt bậc. Đến tháng 9-1999, Điện Biên là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận là đơn vị chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Năm 2019 toàn huyện có 101 trường với 33.245 học sinh, 100% số xã đã có trường mầm non. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào xã hội hoá giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập THCS. Đến cuối năm 2019 toàn huyện có 87,5 % trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 19,8%  trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) năm 2020 dự kiến có 87,32 % trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 23,94%  trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), 100% xã có Trung tâm học tập cộng đồng, 100% cơ quan, đơn vị, trường học, các thôn bản có chi hội khuyến học, ban khuyến học.

    Về Y tế: Năm 1922, thực dân Pháp thành lập ở huyện Điện Biên một trạm xá do một y tá người địa phương cai quản, chủ yếu là để phát thuốc, tiêm phòng cho con em tầng lớp quan lại, vợ con binh lính. Còn đại đa số nhân dân sống ở các bản làng xa trung tâm bị một số bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng như: sốt rét, đậu mùa, phong, hoa liễu, tả, lỵ đe doạ. Nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến trong nhân dân các dân tộc. Rất nhiều người dân đã chết vì bệnh tật, vì không có thuốc và chữa chạy kịp thời. Sau khi giải phóng, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Điện Biên ngày càng được quan tâm. Nếu năm 1954 mới chỉ cấp phát thuốc cho các cơ quan thì sang năm 1955, 12 xã Thái, 5 xã Mông đã có cán bộ phát thuốc và vệ sinh phòng bệnh. Các phòng, ban y tế xã được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh cho đồng bào. Công tác vệ sinh làng bản, đào giếng nước ăn, vệ sinh gia đình... được đẩy mạnh.

    Đến cuối năm 2004 huyện Điện Biên có 1 trung tâm y tế, 4 phòng khám đa khoa khu vực, 18 trạm y tế xã, 100% thôn bản có cán bộ y tế làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình y tế quốc gia như tiêu chảy, phòng bệnh, kế hoạch hóa gia đình. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn thực phẩm.  Năm 2019, huyện có 66 bác sỹ, đạt tỷ lệ 5,5 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%... Do làm tốt chính sách y tế nên công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đảm bảo, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.

    Trong công tác xây dựng và phát triển Đảng: Truyền thống giữ gìn và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân; làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được thể hiện trong suốt 70 năm và ngày nay vẫn được phát huy trong hoạt động của Đảng bộ, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Từ người anh hùng Hoàng Công Chất năm xưa đến các chiến sĩ đội xung phong Quyết Tiến, anh bộ đội cụ Hồ sau giải phóng Điện Biên đã tình nguyện ở lại để xây dựng quê hương mới, đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế - xã hội miền núi đều thật sự đoàn kết gắn bó bên nhau trong chiến đấu, lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới, thể hiện tình cảm anh em ruột thịt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Điện Biên là huyện có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nhiều cán bộ, đảng viên ở các tỉnh thành được Đảng điều lên chiến đấu, công tác đã hoà hợp cùng với các dân tộc Điện Biên. Đảng bộ huyện Điện Biên tự hào trong quá trình 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc không phân biệt ngược xuôi, đoàn kết một lòng không cục bộ, bè phái, không mất đoàn kết để cùng nhau xây dựng Điện Biên ngày càng giầu đẹp.

    Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muốn có phong trào tốt phải có cán bộ tốt". Sự thành công của mọi phong trào cách mạng 70 năm qua đã khẳng định vai trò cán bộ và công tác cán bộ của huyện Điện Biên. Khi mới thành lập (1-8-1950), số đảng viên của huyện chỉ có 8 đồng chí và 1 chi bộ đảng, các đảng viên đều ở địa phương khác được điều đến công tác, chiến đấu, chưa có đảng viên là người địa phương. Sau 70 năm (1950 - 2020) do làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ người địa phương nên từ chỗ chỉ có 1 chi bộ đảng với 8 đảng viên đãtăng lên 62 tổ chức cơ sở đảng, 385 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 5.578  đảng viên. Trong số cán bộ, đảng viên là người địa phương được đào tạo có nhiều đồng chí đã trưởng thành và giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương, Khu, tỉnh. Các cán bộ, đảng viên từ nơi khác được điều động tới và cán bộ, đảng viên là người dân tộc địa phương được đào tạo bồi dưỡng từ phong trào cách mạng của quần chúng cơ sở luôn phát huy được vai trò tác dụng trên mọi lĩnh vực công tác, đó là nhân tố bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của huyện đi đến thắng lợi. Các cấp chính quyền, đoàn thể, MTTQ và các tổ chức chính trị , tổ chức chính trị xã hội từ thôn bản đến cấp huyện thường xuyên được kiện toàn, củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn của cách mạng.

    Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả của Đảng.Từ các phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Điện Biên đều gắn bó chặt chẽ với cách mạng Lào anh em. Từ khi Đảng bộ huyện ra đời và lãnh đạo thì truyền thống đoàn kết, thuỷ chung giữa hai dân tộc Việt- Lào càng được phát huy và vun đắp. Sự nghiệp cách mạng của hai nước luôn có quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Khi phong trào cách mạng của Điện Biên gặp khó khăn (1946,1951), các cán bộ, chiến sỹ cách mạng phải vượt biên giới sang Lào để làm nơi đứng chân tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngược lại khi phong trào cách mạng của bạn gặp khó khăn (1959-1960) hàng trăm cán bộ, bộ đội, nhân dân và gia đình đã sang lánh nạn tại các xã Mường Nhà, Pa Thơm... Các đồn Công an nhân dân vũ trang Tây Trang, Mường Lói, Mường Nhà...đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân các xã biên giới nhường cơm, sẻ áo, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để giúp đỡ cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào trong lúc khó khăn, tạm thời ổn định cuộc sống, là chỗ dựa chắc chắn cho cán bộ, bộ đội Pa Thét Lào đứng chân để trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng.

     Với phương châm "giúp bạn là tự giúp mình" Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cùng bạn làm nên nhiều thắng lợi vẻ vang, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc và đưa đất nước tiến lên ngày một phồn vinh. Sự giúp đỡ ấy thật vô tư và trong sáng. Nhiều chiến sĩ là con em các dân tộc huyện Điện Biên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng các bộ tộc Lào khỏi ách thống trị của bọn đế quốc. Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai nước, hai dân tộc anh em được thể hiện trong sự kết nghĩa giữa huyện Điện Biên với huyện Mường Mày (tỉnh Phong Sa Lỳ) và huyện Viêng Khăm, Mường Ngòi (tỉnh Luông Pha Băng) đã mở ra mối quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Do điều kiện về kinh tế- xã hội của huyện có hạn nên sự giúp đỡ so với yêu cầu của bạn còn hạn chế; song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên rất tự hào về sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của mình trong mối quan hệ thuỷ chung son sắt giữa hai dân tộc, hai Đảng bộ ngày càng tốt đẹp và bền vững.

    Sau 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng bộ huyện Điện Biên đã rút ra được những truyền thống tốt đẹp và bài học lịch sử, đó là nền tảng vững chắc, tiền đề tạo nên sức mạnh mới cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên viết tiếp những trang sử mới, quyết tâm phấn đấu xây dựng Điện Biên trở thành một địa phương phát triển vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng và Nhà nước trao tặng.

  • Tác giả: Nguyễn Quang Khải - Phòng Lao động TB&XH huyện
  • Các tin bài khác:
  • Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác ủy thác cho cán bộ Đoàn cấp xã
  • HUYỆN ĐIỆN BIÊN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ HAI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND HUYỆN, NHIỆM KỲ 2021- 2026
  • Huyện Điện Biên đẩy mạnh công tác cải cách hành chính lĩnh vực Lao động - TB&XH
  • Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự
  • ĐẢNG ỦY XÃ THANH AN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
  • ĐẢNG ỦY XÃ THANH AN THAM GIA HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
  • NHCSXH huyện Điện Biên Tập huấn Nghiệp vụ ủy thác vốn tín dụng chính sách cho Hội Cựu chiến binh cấp xã
  • Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ huyện Điện Biên đón tiếp và làm việc với đoàn Kiểm tra phổ cập giáo dục xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
  • 751-760 of 2037<  ...  71  72  73  74  75  76  77  78  79  80  ...  >
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: