|
Trong những năm qua huyện Điện Biên luôn xác định triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính; tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hàng năm Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức đánh giá, xây dựng Kế hoạch Ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 1366/KH-UBND, ngày 26/7/2019 về việc Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước huyện Điện Biên năm 2020. Nội dung Kế hoạch đưa ra những mục tiêu cơ bản như: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về Công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Triển khai ứng dụng Chữ ký số. Hoàn thành việc xây dựng và đưa Cổng thông tin điện tử huyện vào hoạt động; tăng cường thủ tục hành chính được giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử; tiếp tục rà soát, đăng ký trang bị Hòm thư điện tử công vụ với tên miền @dienbien.gov.vn cho cán bộ, công chức, viên chức. Đảm bảo điều kiện kỹ thuật tốt cho 100% các cuộc họp trực tuyến giữa UBND huyện tới cấp tỉnh và UBND các xã. Phối hợp với Bưu điện huyện triển khai và thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn huyện theo Quyết định số 557/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của UBND tỉnh Điện Biên.
Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay huyện cơ bản hoàn thành được 70% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp, hội nghị tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, phục trách công nghệ thông tin nói riêng và thông tin truyền thông nói chung. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án nâng cấp Trang TTĐT lên Cổng TTĐT huyện. Hiện nay 100% cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân nhân các xã đã được trang bị hòm thư điện tử công vụ cho tổ chức. Trong đó có gần 300 hòm thư điện tử công vụ cá nhân đã được cấp cho cán bộ, công chức. Hệ thống Hội nghị trực tuyến đã được huyện triển khai đến 100% các xã. 100% các cuộc họp giữa Trung ương, các bộ ngành, tỉnh với huyện và các xã được đảm bảo về kỹ thuật và an toàn thông tin.
Hiện nay, 100% các phòng, ban, ngành, UBND các xã trên địa bàn huyện đã được trang bị hệ thống Hồ sơ công việc – Quản lý văn bản TDoffice. 100% các văn bản thường được trao đổi qua hệ thống Hồ sơ công việc.
Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT, hiện đại hóa nền hành chính. Tháng 6/2020, huyện Điện Biên đã phối hợp với Sở TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng chữ ký số tích hợp trên phần mềm Hồ sơ công việc cho 100% các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện. Đến nay, huyện đã có tổng số 128 cá nhân và tổ chức đã được cấp Chữ ký sô. Ủy ban nhân dân huyện đã tiếp tục rà soát, đăng ký bổ sung và sửa đổi thông tin Chữ ký số cho 42 cá nhân và tổ chức thuộc các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền dịch vụ Bưu chính công ích và các dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã và nhân dân trên địa bàn huyện, cụ thể như: Công văn số 1945/UBND-VH&TT, 22/10/2019 về việc tuyên truyền trực quan Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biện tại bộ phận một cửa các cơ quan, đơn vị và UBND các xã; Công văn số 2109/UBND-VP, 14/11/2019 về việc tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên; Công văn số 209/UBND-VH&TT, ngày 20/02/2020 về việc tuyên truyền khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người… Bên cạnh đó, UBND huyện còn tích cực đề xuất các dịch vụ công mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia. Nghiêm khắc chấn chỉnh các đơn vị chậm tiến độ trong giải quyết các thủ tục hành chính và tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng Công dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên, cụ thể như: Công văn số 26/UBND-VH&TT, ngày 08/01/2020 về việc đề xuất danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đang cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Công văn số 270/UBND-VP, ngày 28/02/2020 về việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng quá hạn, chậm gửi báo cáo trong giải quyết TTHC và tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng Công dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên…
Trang thông tin điện tử tổng hợp huyện Điện Biên đang cung cấp các dịch vụ Hành chính công ở mức độ 2 với 21 lĩnh vực và 118 bộ thủ tục, trong đó: Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện gồm 11 lĩnh vực với 64 bộ thủ tục. Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã gồm 10 lĩnh vực với 54 bộ thủ tục.
Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng cấp Trang thông tin điện tử tổng hợp huyện lên Cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4.
Hiện nay, Huyện Điện Biên đang thực hiện tiếp nhận và xử lý tổng số 61 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan, triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử huyện và cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, 4. Tiếp tục đề xuất các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 thuộc phạm vi giải quyết trên cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính – Hiện đại hóa nền hành chính trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí triển khai các phần mềm, ứng dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực còn còn hạn hẹp. Đa số các cơ quan, đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về Công nghệ thông tin do đó gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, ứng dụng công nghệ trong giải quyết công vụ.
Để nâng cao chất lượng hiện đại hóa nền hành chính trong thời gian tới cần triển khai một số biện pháp như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao nhận thức về vai trò việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành nền hành chính cho cán bộ, công chức. Người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan đảng phải quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức, cơ quan phụ trách. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phải theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả, khả thi, thiết thực và tiết kiệm.
Hai là, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin
Xây dựng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong các cơ quan, đơn vị. Bảo đảm tận dụng triệt để hạ tầng kỹ thuật được trang bị để tăng cường trao đổi, chia sẻ các văn bản điện tử giữa các cơ quan. Xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị. Xây dựng quy định về tiêu chuẩn, biên chế, chính sách, chế độ sử dụng, đãi ngộ thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách CNTT.
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực
Đào tạo nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ công chức nhằm cải thiện hiệu suất công việc, giảm thiểu tâm lý e ngại, né tránh trong sử dụng máy tính và các thiết bị tin học, thay đổi phong cách làm việc của cán bộ công chức từ môi trường giấy tờ chuyển sang làm việc trên môi trường máy tính và các hệ thống thông tin, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thúc đẩy hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn kết chặt chẽ với việc bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin. Thường xuyên cập nhật, thông báo thông tin về nguy cơ, hiểm họa mất an toàn hệ thống, an ninh thông tin trong các hoạt động ứng dụng CNTT; quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và kỹ năng sử dụng cho người dùng về các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong hoạt động ứng dụng CNTT. Xây dựng, thực hiện các giải pháp kỹ thuật thực hiện quản lý người dùng tập trung trong mạng máy tính nội bộ; sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền; sao lưu, bảo vệ dữ liệu hệ thống và ứng dụng.
Những kết quả trong công tác hiện đại hóa nền hành chính của huyện Điện Biên trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong công cuộc cải cách nền hành chính và xây dựng chính quyền điện tử của huyện./.