|
Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên: 139.626,70 ha; đất quy hoạch lâm nghiệp có rừng: 72.738,58 ha (trong đó: Rừng tự nhiên 72.222,96 ha, rừng trồng 515,62 ha).
Là huyện có tổng dịch tích đất quy hoạch lâm nghiệp (có rừng, chưa có rừng) lớn, chiếm trên 71% tổng diện tích tự nhiên. Hiểu rõ tầm quan trọng của rừng trong quá trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Những năm qua, huyện Điện Biên luôn đặt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tăng cường, nâng cao công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. UBND huyện ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2022; các Quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; thành lập các Tổ công tác liên ngành thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng tại một số xã trên địa bàn huyện. Cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. UBND 21 xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Ban Chỉ huy về phòng cháy, chữa cháy rừng và thành lập 219 tổ/đội quần chúng phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn/bản với 1.956 thành viên; tổ chức thành công 01 cuộc diễn tập PCCCR cấp xã. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các nội dung liên quan đến Luật Lâm nghiệp, các Nghị định, Thông tư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR được quan tâm, triển khai tới mọi tầng lớp Nhân dân. Các chủ rừng đã từng bước thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước, pháp luật.
Trong năm 2022, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, Lãnh đạo UBND huyện, Ban chỉ đạo các cấp, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hưởng ứng, phát huy được tinh thần trách nhiệm của Nhân dân; công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2022 trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm trên địa bàn huyện không có vụ cháy rừng nào xảy ra; bảo vệ cơ bản an toàn trên 72.700 ha rừng hiện có; tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 52,10%; trong đó xã có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất đạt 83,81%; phối hợp chi trả trên 10 tỷ 800 triệu đồng tiền DVMTR từ năm 2021 trở về trước. Huyện đã xử lý 18 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp, giảm 27 vụ so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 60 %), thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 156 triệu đồng. Việc thực hiện tốt các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện; chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tích cực trong việc quản lý, bảo vệ rừng bền vững, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Nhận thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng như: các hành vi vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản, tàng trữ lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra tại địa bàn một số xã; việc đôn đốc các đối tượng vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất khó khăn; một bộ phận dân cư chưa đồng thuận quy hoạch 3 loại rừng với lý do thiếu đất sản xuất và khu quy hoạch 3 loại rừng là nương luân canh đã nhiều năm; việc phối hợp thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho một số chủ rừng do còn những vướng mắc; sự phối hợp của các ngành chức năng trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, điều tra, xử lý vi phạm hiệu quả đạt chưa cao…
(Đ/c Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghi)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gắn với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao sức răn đe, giáo dục của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm hại tài nguyên rừng. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo, các vấn đề cấp bách trong công tác Bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cấp xã.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương, các chủ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Công ty cao su Điện Biên.
Thực hiện nghiên túc trực chữa cháy rừng 24/24, 7 ngày/tuần. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng – phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó đề nghị Hạt kiểm lâm rà soát, tham mưu cho huyện chỉ đạo một số xã tổ chức cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh… tại các trường học.
UBND các xã chủ động phối hợp với Đồn biên phòng thực hiện lồng ghép tuần tra biên giới, cột mốc với tuần tra bảo vệ rừng khu vực biên giới.
(Đ/c Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện trao Giấy kheo cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc)
Tại Hội nghị, để ghi nhận và biểu dương những kết quả, đóng góp của các tập thể và cá nhân, UBND huyện đã tặng Giấy khen cho 03 tập thể và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022.
(Lãnh đạo UBND các xã ký cam kết với với Lãnh đạo UBND huyện)
Cũng tại Hội nghị Lãnh đạo UBND các xã đã ký cam kết công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 với Lãnh đạo UBND huyện; đồng thời Ký kế hoạch phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên với UBND các xã./.