CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐIỆN BIÊN
  • Kết quả bước đầu chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Biên
  • Thời gian đăng: 02/06/2016 07:33:55 AM
  • Điện Biên TV - Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011 – 2015 ở huyện Điện Biên đã đi được hơn nửa chặng đường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả bước đầu chính là động lực để các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc phấn đấu thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn huyện.

  • b

    Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 33,8% năm 2010 xuống còn 17,64% năm 2013

    Là một huyện miền núi, biên giới Điện Biên có nhiều xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhìn chung còn nhiều hạn chế, nhất là các xã vùng ngoài. Trình độ dân trí không đồng đều, chưa đáp ứng được KHKT vào sản xuất nên ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Vì vậy, mục tiêu xóa đói giảm nghèo gắn với chương trình XDNTM được cấp ủy, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

    Địa bàn huyện Điện Biên khá rộng với 25 xã, trong đó có 5 xã được chọn triển khai XDNTM trong giai đoạn 2011 – 2015, gồm các xã: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Yên, Mường Phăng cùng với Thanh Chăn là xã thí điểm XDNTM của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đến nay, chương trình XDNTM trên địa bàn huyện Điện Biên đã được một số kết quả quan trọng, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Năm 2013, nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 71% (giảm 1,71%), thương mại dịch vụ chiếm gần 4% (tăng gần 0,7% so với năm 2011), công nghiệp – xây dựng chiếm trên 25%. Tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt gần 87.225 tấn, bình quân lương thực đạt 750kg/người/năm. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 85% đường trải nhựa hoặc cấp phối. 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 96%. 100% xã có điện thoại và điểm bưu điện văn hóa xã, 98,8% dân số được phủ sóng truyền thanh, truyền hình. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 33,8% năm 2010 xuống còn 17,64% năm 2013, trung bình mỗi năm giảm từ 4- 5%.

    Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai XDNTM ở các xã được thực hiện theo 7 bước. Từ việc thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý và ban phát triển thôn bản, đến công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân, rà soát thực trạng theo 19 tiêu chí. Tổ chức 27 lớp tập huấn về lập quy hoạch và quản lý NTM với trên 1.500 lượt người tham dự. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: "Theo kết quả rà soát của Ban chỉ đạo XDNTM huyện Điện Biên thì đến nay, xã Thanh Chăn đạt 12/19 tiêu chí, xã Thanh Hưng ước đạt 9/19 tiêu chí, xã Thanh Yên ước đạt 7/19 tiêu chí, xã Thanh An ước đạt 8/19 tiêu chí, xã Thanh Xương ước đạt 11/19 tiêu chí, xã Mường Phăng ước đạt 6/19 tiêu chí."

    Thông qua việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã ổn định và sắp xếp lại dân cư đang sống phân tán ở các vùng cao, thiếu đất canh tác cây lương thực, thiếu nước sinh hoạt đến nơi đảm bảo ổn định lâu dài và có điều kiện phát triển kinh tế. Việc thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chương trình khai hoang và hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn giải quyết việc làm đã bước đầu tạo cho bà con biết cách làm ăn mới, hạn chế nạn phá rừng. Các mặt văn hóa - xã hội có bước phát triển, đã duy trì được kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ, tỷ lệ học sinh đi học ở các xã tăng đáng kể. Việc thực hiện chính sách khám, chữa bệnh không thu tiền người nghèo đã tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đã tạo điều kiện cho họ ổn định chỗ ở và sản xuất. Việc thực hiện các mục tiêu chương trình xóa đói giảm nghèo đã củng cố được lòng tin của đồng bảo các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống cho nhân dân, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.
    Công tác phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhất là vùng khó khăn được chú trọng tăng cường. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng. Các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo. Gần 64% thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa; 54/463 thôn, bản có nhà văn hóa.

    vcx

    100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 85% đường trải nhựa hoặc cấp phối

    Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản đạt kết quả khá: Đàn trâu tăng 4%/năm, đàn bò tăng 10,35%/năm, đàn lợn 9,9%/năm, gia cầm gần 27%/năm, thủy sản trên 33%/năm. Hiệu quả sản xuất được nâng lên, đang chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển mạnh có đầu tư gắn với mô hình quy mô trang trại. Tăng cường phát triển vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tại các xã: Thanh Yên, Thanh Chăn… Vùng trồng rau tại Thanh Xương, Thanh Hưng… Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với XDNTM đạt kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và giao thương; nhựa hóa, cứng hóa được 16km đường trục xã Pa Thơm, Na Ư; cứng hóa 18km đường trục thôn, bản với tổng vốn trên 27 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; đầu tư nâng cấp 26 công trình, gồm một số tuyến đường liên xã, liên thôn, các cầu, cống, đường giao thông bị hỏng.
    33,5/33,5km kênh cấp I, 81/83km kênh cấp II và 21/192km kênh cấp III trong hệ thống thủy lợi của huyện được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 4.550ha lúa vụ đông xuân và 6.145ha lúa vụ mùa. Hệ thống hồ, kênh được kiên cố hóa, đảm bảo chủ động tưới tiêu, dẫn nước tưới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khai hoang tăng diện tích gieo trồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

    Do địa bàn huyện rộng, mặt bằng dân trí chưa cao nên công tác tuyên truyền triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo và XDNTM còn gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu lao động có kinh nghiệm sản xuất; số hộ thiếu nhà ở, điện, nước sinh hoạt, đất sản xuất và các điều kiện sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Thu nhập của người dân từ sản xuất nông nghiệp thấp, giá cả vật tư tăng, lợi nhuận thấp; tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi gia tăng đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Chương trình xóa đói giảm nghèo chưa toàn diện, khoảng cách giàu nghèo giữa vùng thấp và vùng cao có xu hướng gia tăng; số hộ tái nghèo hàng năm còn cao, vẫn phải trợ cấp cứu đói đứt bữa và cứu đói giáp hạt. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: "Định hướng trong năm 2014, Ban chỉ đạo XDNTM của huyện vẫn tiếp tục thực hiện các công tác liên quan tới 19 tiêu chí, đặc biệt là vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng gắn với định hướng theo quy hoạch và phát triển cơ cấu kinh tế nhằm làm sao nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Các tiêu chí liên quan tới văn hóa, giáo dục và môi trường thì được quan tâm và thực hiện theo các tiêu chí mà Ban chỉ đạo XDNTM đã lựa chọn."

    Tuy có những khó khăn nhưng chương trình xóa đói giảm nghèo và XDNTM đã tạo được niềm tin, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường trong nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân. Trình độ của cán bộ xã, cán bộ thôn, bản được nâng lên, công tác quản lý điều hành và phương pháp làm việc trong tổ chức, quản lý xây dựng tại các xã về chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM được nâng lên rõ rệt. Các công trình đầu tư về cơ sở hạ tầng đã phát huy tác dụng, phục vụ trực tiếp vào đời sống, công việc của cán bộ nhân dân các xã./.

  • Tác giả: Lường Hương – Duy Hưng
  • Ảnh đẹp huyện Điện Biên Thư viện ảnh
  • Bản đồ hành chính

  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: